Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2014

11 món ăn đường phố hấp dẫn du khách tại Sài Gòn

Sài Gòn không chỉ nổi tiếng bởi những tòa nhà chọc trời hay những khu trung tâm mua sắm tráng lệ, nó còn được biết đến với một nền ẩm thực phong phú, đa dạng.

Ẩm thực Sài Gòn, một nơi hội tụ nét văn hóa ẩm thực đặc trưng nhiều vùng miền khác nhau. Các món ngon không chỉ được phục vụ trong những nhà hàng, quán ăn sang trọng mà ngay cả ẩm thực vỉa hè cũng như một mê lộ khiến bạn khó lòng mà thoát ra được. Các món ăn vặt vỉa hè Sài Gòn có một mức giá bình dân nhưng hương vị món ăn ngon tuyệt, lạ miệng mà ai đã từng nếm qua thì không dễ dàng quên được. 

1. Bánh tráng trộn

Bánh tráng trộn là một trong số những món ăn vặt có nguyên liệu chế biến đơn giản nhất nhưng ngon khỏi chê. Chỉ với nguyên liệu đơn giản như bánh tráng cắt sợi, trộn với tôm khô chiên mỡ, các thành phần còn lại thay đổi theo người bán, thường là phổi bò cháy, rau răm, đu đủ chua sợi, sốt tương, đậu phộng,... nhưng khi trộn đều với nước mắm sốt me ngọt và rau răm, món ăn lại mang một hương vị khá thơm ngon, ăn hoài không chán.


2. Bánh tráng nướng

Bánh tráng nướng được phết một lớp trứng cút lên bề mặt cùng với thịt băm và mỡ hành, nướng kỹ cho đến khi có màu vàng rộm và vị thơm của trứng lan tỏa. Bánh tráng nướng không chỉ là món ăn hấp dẫn các chị em mà cánh đàn ông cũng khó từ chối chiếc bánh nóng hổi, giòn và thơm phức này.


3. Ốc

Từ con hẻm nhỏ đến mặt đường lớn, không khó tìm một quán ốc để dừng chân. Quán ốc là từ gọi chung, bởi ở đó còn có nhiều loại hải sản khác. Có đủ cách chế biến để món ốc luôn hấp dẫn, từ hấp, luộc, xào, chiên đến nướng, đút lò… với đủ thứ gia vị như tỏi, hành, tiêu, ớt, rau răm…


4. Phá lấu

Phá lấu là món ăn quen thuộc của người Hoa, làm từ nội tạng động vật. Có rất nhiều loại phá lấu: phá lấu heo, phá lấu gà vịt, phá lấu bò… Trong đó, món phá lấu bò được ưa thích hơn cả. Đây là món ăn dân dã, ngon miệng, có sức cuốn hút đến kỳ lạ không chỉ đối với học trò nhỏ mà cả giới sinh viên, công chức. Bạn có thể ăn phá lấu với bánh mì, hoặc mì gói hoặc độc hơn là phá lấu nướng hoặc chiên.


5. Bột chiên

Bột chiên là món ăn đơn giản làm từ bột gạo, giòn bên ngoài, dẻo bên trong, là món vặt hết sức hấp dẫn. Tùy từng nơi và khẩu vị khách mà món bột chiên sẽ được chế biến khác nhau. Những miếng bột vàng giòn, điểm chút xanh của hành lá, phơn phớt đu đủ, đo đỏ của tương ớt, thơm lừng trứng chiên đã làm mê mẩn bao cư dân Sài Gòn.


6. Xiên chiên/nướng

Cá viên, bò viên, tôm viên, đậu bắp, đâu hũ… sau khi xâu lại thành từng xiên sẽ được đem chiên trong chảo dầu nóng cho đến khi những viên thịt phồng to, cháy vàng. Món này ăn với tương ớt và tương đen có vị cay nồng, mằn mặn, giòn dai, nhai sần sật, không quá mềm cũng không quá cứng. Ở một số nơi còn ăn kèm với củ cải, cà rốt ngâm giấm, dưa leo…


7. Súp cua

Đây là một món ăn được ưu chuộng bất kể trời nóng hay lạnh, cũng là món được được bày bán từ nhà hàng ra đến hè phố. Một chén súp ngon thường nóng hổi, có màu trắng của trứng gà, màu đỏ của thịt cua, mùi thơm của tiêu, của rau ngò. Thêm một chút ớt, chút dầu mè, ăn hoài không chán.


8. Bò bía

Bò bía là món ăn dân dã, cách làm vô cùng đơn giản. Chỉ cần cuốn hỗn hợp củ sắn, tép khô, xà lách, rau thơm, lạp xưởng, trứng trong một miếng bánh tráng mỏng là đã có một cuốn bò bía. Bò bía ngon ở nước chấm. Tương hột được chưng lên là món chấm không thể thiếu của bò bía miền Nam. Nước chấm phải vừa đủ ngọt của đường, hơi cay của ớt, beo béo của dầu và bùi bùi của đậu phọng. Người lần đầu ăn loại nước chấm này sẽ thấy vị thật lạ, nhưng đã ăn một lần thì rất khó quên hương vị nước chấm này.


9. Chim cút chiên bơ

Món chim cút chiên bơ hấp dẫn người đi đường bởi hương thơm ngào ngạt. Chim cút chiên bơ ngon là những con chim cút ánh màu nâu vàng tự nhiên chứ không phải màu đỏ thực phẩm.vị béo mềm của phần thịt. Khi ăn, phần thịt phải béo, mềm, còn phần đầu, cánh và chân phải giòn tan. Nước sốt chim cút cùng ổ bánh mì nóng hổi cũng là một trong những đặc điểm khiến món ăn này hấp dẫn những cái bụng chưa hay đang đói.


10. Gỏi khô bò

Gỏi khô bò là một món ăn đơn giản, dễ chế biến. Đi ăn gỏi khô bò cũng chẳng phải đợi lâu. Vừa gọi món đã có ngay một đĩa gỏi khô bò đầy màu sắc mà ngon miệng. Khô bò thường là loại phổ bò qua chế biến và ướp gia vị kỹ càng, không giống như loại khô làm từ thịt bò được đóng gói bán sẵn trong các siêu thị. Gỏi khô bò phải ăn với đu đủ bào. Đu đủ được bào sợi, ngâm nước muối để khử mủ vào tăng độ giòn. Phía trên được trang trí bởi mấy cộng rau răm thái nhỏ, tăng mùi vị và tạo màu sắc bắt mắt thanh nhã, lại thêm mấy hạt đậu phụng rang vàng giòn rụm.


Gỏi đu đủ khô bò hơn thua nhau ở nước trộn gỏi, hương vị nước trộn mỗi nơi đều có bí quyết riêng. Nước gỏi ngon thường được pha giữa giấm, nước tương và nước ớt. Tùy theo liều lượng pha mà ra hương vị ngon hay dở. Ăn gỏi khô bò không thấy no, rất nhẹ bụng mà lại kích thích vị giác.

11. Hủ tiếu gõ

Đặc trưng của món ăn này là âm thanh do người bán hủ tiếu tạo ra bằng thanh tre và chiếc muỗng inox gõ vào nhau tạo thành âm thanh cốc cốc đi khắp con đường, ngõ hẻm. Người muốn ăn, chỉ cần bước ra ngõ, gọi một tiếng là vài phút sau đã có một tô hủ tíu nóng sốt với hủ tíu, vài lát thịt mỏng, vài cọng giá, cọng hẹ, hành khô và miếng tóp mỡ bùi thơm.


Sức hấp dẫn của món ăn nằm ở chỗ chẳng có gì đặc biệt nhưng khi kết hợp với nhau lại làm nên một hương vị "ngon không bình thường". Món hủ tíu mì khô thường đi kèm với chén nước dùng trong vắt, nổi bật vài cọng hẹ xanh mát.










Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét