Thứ Ba, 21 tháng 1, 2014

Quảng bá hình ảnh du lịch Việt qua ẩm thực

Cuộc thi Chiếc thìa vàng – chương trình tôn vinh du lịch ẩm thực Việt, đã tìm ra được giải quán quân. Với thực đơn “Hương vị quê nhà”, đầu bếp Nguyễn Đức Dương đến từ InterContinental Đà Nẵng vượt qua 14 đầu bếp chuyên nghiệp toàn quốc giành giải thưởng 1 tỷ đồng.

Tại vòng loại, các đầu bếp được tự do chọn lựa nguyên liệu để chế biến món ăn dự thi, thì vào chung kết, họ phải bốc thăm để chọn nguyên liệu. Đây cũng là cơ hội thử thách tốt để các đầu bếp thể hiện sự sáng tạo, nhanh nhạy và chuyên nghiệp của mình. Đầu bếp Nguyễn Đức Dương và đồng sự đã chinh phục giám khảo ở bài thi gồm 4 món - khai vị chả giò làng quê, gỏi vịt hương sen và chả môn hương tôm, cá nướng lá dứa sốt nghệ, lẩu thượng hạng với mì 3 màu và tráng miệng Vũ khúc mùa xuân.

Các đầu bếp trổ tài tại Vòng chung kết cuộc thi Chiếc thìa vàng

Ban giám khảo gồm nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương, Nhà giáo ưu tú - Chuyên viên văn hóa ẩm thực Triệu Thị Chơi, ông Lý Sanh - Chủ tịch Hội đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn, Siêu đầu bếp quốc tế David Thái, Chuyên gia ẩm thực Robert Danhi và bà Nguyễn Thị Hoa - Phó Chủ tịch Hội dinh dưỡng TP HCM đánh giá cao thực đơn "Hương vị quê nhà" trong việc biến những món ăn dân dã trở thành món sang trọng mà vẫn giữ được hương vị đặc trưng.

Nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương, đại diện ban giám khảo chuyên môn cho rằng: “Ở Chiếc thìa vàng, chúng ta thấy được sự vinh danh, sự tài năng và phải ngã mũ cúi chào những người đã theo đuổi nghề bếp, những đại sứ thực sự của nền du lịch Việt Nam”.

Ông Lý Ngọc Minh – Tổng giám đốc công ty Minh Long I, trưởng ban tổ chức cuộc thi cho biết. “Tôi tin rằng quê mình chỗ nào cũng đẹp, cũng hấp dẫn du khách. Nhưng cảnh đẹp chỉ là một phần, khách nước ngoài còn bị cuốn hút bởi nhiều thứ khác nữa. Văn hóa truyền thống, lịch sử dân gian chẳng hạn. Nhưng tựu trung lại, sức hấp dẫn của ẩm thực là khó cưỡng lại nhất. Sự giàu có về sản vật, sự phong phú và sáng tạo về cách chế biến và quan trọng hơn, thói quen ăn uống theo kiểu món ăn nên thuốc, ăn kiểu cân bằng các chất dinh dưỡng là rất phù hợp với xu hướng ẩm thực chung của thế giới. Chiếc thìa vàng bắt đầu năm 2013, mong muốn đi rất lâu, rất dài để cổ vũ cho trào lưu ăn “ngon” và “lành”, ăn uống theo mô hình thực dưỡng và vừa ăn vừa thưởng thức cái tinh túy của ẩm thực, của đất nước, con người xứ mình”.

Chiếc thìa vàng là cuộc thi do Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh - Hỗ trợ Doanh nghiệp BSA, Hiệp hội Du lịch TPHCM và Công ty Minh Long I phối hợp tổ chức. Đây là hành trình đi dọc đất nước để tìm kiếm, phát hiện và tôn vinh những món ăn truyền thống của từng vùng miền theo tiêu chí “Món ăn ngon và lành”. Trước vòng chung kết tổ chức tại Bình Dương, “Chiếc thìa vàng” đã diễn ra khắp các vùng miền, quy tụ hơn 140 nhà hàng lớn nhỏ của 39 tỉnh thành (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Yên, Kon Tum, TPHCM, Cần Thơ, Kiên Giang…) tham dự, không chỉ để tranh tài mà còn để giới thiệu đặc sản của từng vùng đất.

Th.An

Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

Mâm cỗ Tết người Bắc không thể thiếu măng khô

Trong mâm cỗ tết của người Bắc không bao giờ thiếu những món ăn chế biến từ măng khô. Măng khô hầm xương, măng khô xào miến tuy rất cầu kỳ và mất nhiều thời gian cho việc chế biến nhưng chẳng biết tự khi nào đã trở thành món ăn dân gian đặc trưng mỗi độ tết về.

Canh măng khô hầm xương - món ăn quen thuộc trong mâm cỗ tết người miền Bắc - Ảnh P.T.T

Có thể nói thiên nhiên đã khá ưu ái cho vùng đất Tây Bắc khi chất đất ở đấy rất phù hợp cho các loại măng sinh trưởng.

Vào mùa hè cũng là mùa măng rộ, rất nhiều loại măng tươi là nguồn thực phẩm dồi dào cung cấp cho bữa ăn các gia đình hàng ngày. Măng ăn không hết thì bà con dùng phơi khô, tích trữ ăn dần.

Và với bàn tay khéo léo đầy kinh nghiệm người dân nơi đây, đặc sản măng khô đã dần nổi tiếng khắp mọi miền Tổ quốc.

So với măng khô, măng tươi dễ sử dụng nhưng vị lại đắng hơn nếu chưa được xử lý trước khi nấu. Nếu măng tươi có độ giòn thì măng khô lại hơi dai. Cả hai loại đều có mùi hơi khó ngửi, nhưng sau khi đã được xử lý, mùi hôi trong măng sẽ biến mất. Măng khô không cứng nhưng rất dai, nếu được xử lý kỹ sẽ mềm và có vị ngọt rất ngon.

Măng là loại cây trồng phổ biến ở Tây Bắc. Cây mọc tự nhiên, không dùng thuốc trừ sâu, không dùng phân hóa học, khi hái người ta chỉ lấy phần đọt nên rất ngon. Măng được phơi khô nhiều nắng rồi để trên gác bếp nên có mùi của khói bếp và màu nâu vàng đặc trưng. Cứ khoảng 10kg măng tươi mới được 1kg măng khô.

Có hai loại măng khô: măng khô lưỡi lợn và măng khô xé sợi. Măng khô lưỡi lợn thường được chế biến để hầm xương còn măng khô xé sợi thường được dùng để xào với miến và lòng gà. Đây cũng là hai món ăn truyền thống trong mâm cỗ tết của người miền Bắc.

Để chọn được loại măng khô ngon và an toàn, các bà nội trợ thường chọn loại măng có màu nâu vàng, xuất hiện hổ phách, đường vân tỉ mỉ, bề rộng thịt dày, khi sờ vào không có cảm giác ẩm tay, có thể bẻ gãy được. Nếu là măng non thì lưu giữ mùi thơm đặc trưng, không có mùi lạ, không bị mốc.

Muốn chế biến, măng lưỡi lợn được rửa thật sạch để loại bỏ hết lớp chất bẩn và bụi bám trên măng. Sau đó ngâm cho măng nở trong ít nhất 6-8 giờ. Cũng có thể ngâm qua đêm để khi nấu măng sẽ mềm hơn. Trong quá trình ngâm phải thường xuyên thay nước ngâm để giúp lọc sạch vị đắng còn lại trong măng.

Sau khi ngâm xong, cho măng vào rổ để ráo nước rồi cho măng vào nồi để đun sôi đến khi măng mềm hoàn toàn. Nên để nồi măng sôi trong ít nhất 40 phút với lửa trung bình. Tiếp tục gạn hết phần nước đã đun cho thêm nước mới vào tiếp tục đun. Đun và thay nước tới khi nào thấy nước măng trong là được. Trong khi đun măng luôn được ngập nước.

Măng khố (măng lưỡi lợn) chứa rất nhiều chất xơ - Ảnh P.T.T.

Măng khô xé sợi - Ảnh P.T.T

Khi măng đã chín mềm, nước đã trong thì vớt măng ra cho vào rổ để ráo nước. Măng nguội được cắt thành từng khúc nhỏ để nấu. Trước khi nấu nên xào măng cho gia vị ngấm kỹ rồi mới đem hầm với xương. Món ăn chỉ đơn giản thế nhưng trong mâm cỗ tết ngoài Bắc chẳng nhà nào bỏ qua.

Nếu không sử dụng hết lượng măng khô đã luộc chín, bạn có thể cho chúng vào hộp nhựa và bảo quản trong tủ lạnh. Thời hạn sử dụng măng khô được một tuần nếu để ở ngăn mát và được hơn một tháng nếu để trên ngăn lạnh.

Măng xé sợi là măng tươi được tước nhỏ thành những sợi mỏng rồi đem phơi khô, hong qua khói bếp nên có màu nâu đậm, mùi ngai ngái. Với loại măng này có thể ngâm với nước ấm qua đêm, rửa sạch cho lên bếp luộc chừng 15 phút, rửa lại bằng nước lã khoảng 3-4 lần là có thể sử dụng để chế biến món ăn, phổ biến nhất là măng xào miến với lòng gà.

Không chỉ là nguồn thực phẩm tích trữ hàng năm mà măng khô còn đóng góp vào kho tàng ẩm thực dân gian những món ăn dân dã mà vô cùng hấp dẫn, gợi thương gợi nhớ hình ảnh quê nhà mỗi khi tết đến xuân về.

Theo dinh dưỡng học cổ truyền, măng vị ngọt hơi đắng, tính hàn, có công dụng hóa đàm hạ khí, thanh nhiệt, tiêu thực giả độc, thông lợi nhị tiện, thường được dùng để làm thức ăn và làm thuốc cho những người bị cảm mạo, phong nhiệt, ho do phế nhiệt, ăn uống chậm tiêu…

Du xuân rẻ mà vui với vùng Tây Bắc

Mùa xuân luôn là mùa được dân đi bụi mong đợi nhất bởi cơ hội du xuân trên những nẻo đường núi phía bắc luôn đem lại những trải nghiệm và cảm xúc khó quên. Bạn đã quyết định chọn cung đường nào cho mùa xuân năm nay?

1. Cao nguyên Mộc Châu (Sơn La)


Mùa xuân Mộc Châu - Ảnh: Giang Nguyên

Nằm cách Hà Nội khoảng 180km, cao nguyên Mộc Châu, điểm đến đã quá quen thuộc với nhiều du khách, vào ngày xuân càng trở nên hấp dẫn bởi vẻ đẹp thiên nhiên và sắc xuân rạng rỡ trên những vườn đào, vườn mận.

Thời gian: từ 1 -2,5 ngày

Phương tiện: ô tô, xe máy

Các địa điểm tham quan: bản làng dọc quốc lộ 6, thị trấn nông trường, đường vào Tân Lập hoặc đi cửa khẩu Loóng Sập. Hãy dừng chân bất kỳ nơi nào trên đường di chuyển để khám phá mùa xuân nơi đây.

2. Bắc Hà (Lào Cai) - cao nguyên trắng


Một lộ trình kinh điển để khám phá cao nguyên trắng Bắc Hà thường được nhiều dân đi lựa chọn từ Hà Nội là di chuyển bằng tàu đêm lên Lào Cai rồi thuê xe gắn máy trong 2 ngày. Nếu mang theo xe máy lên tàu thì xuống ở ga Phố Lu.

Bắc Hà hấp dẫn bởi vẻ đẹp lộng lẫy của gốc mận trắng toát trên chênh vênh sườn núi, hay những vườn mận xanh rờn trong thung lũng.

Thời gian: 2 ngày, 2 đêm

Phương tiện: xe máy

(Thuê xe từ Lào Cai giá 200.000 - 250.000 đồng/ngày)

Các địa điểm tham quan: thị trấn Bắc Hà, dinh thự cổ của vua Mèo Hoàng A Tưởng, các đường liên xã vào Bản Phố, Tả Van Chư, Lùng Phìn.

3. Lễ hội Gầu Tào, Say Sán ở Lào Cai

Chơi hội Say Sán - Ảnh: Giang Nguyên

Vào ngày mùng 4-6 Tết hàng năm, tại Pha Long (huyện Mường Khương) sẽ diễn ra lễ hội mừng xuân mới của đồng bào Mông gọi là hội Gầu Tào, cũng lễ hội đó tại huyện Simacai thì gọi là lễ hội Say Sán. Đây là dịp để du khách khám phá nét văn hóa truyền thống của bà con dân tộc miền núi và hòa mình vào không khí lễ hội tưng bừng và rộn rã nơi rẻo cao.

Thời gian: ít nhất 2 ngày, 2 đêm (di chuyển từ Hà Nội lên Lào Cai bằng tàu đêm)

Phương tiện: ô tô, nhưng cơ động và linh hoạt nhất là xe máy, để có thể đi vào đường liên bản, khám phá sâu sắc cuộc sống mùa xuân của người dân bản địa nơi đây.

Các địa điểm khám phá: Lùng Khấu Nhin, Cao Sơn, Pha Long (Mường Khương); Sín Chéng, Quan Thần Sán, Thào Chư Phìn, Lử Thẩn, Cán Cấu (Simacai).

4. Rong ruổi trên quốc lộ 6 và quốc lộ 12

Nếu có thời gian từ 4-5 ngày, một gợi ý du xuân thú vị dành cho dân đi chính là rong ruổi trên quốc lộ 6 (chạy qua địa phận Sơn La, đèo Pha Đin và Điện Biên), quốc lộ 12 (chạy dọc theo bờ trái sông Nậm Na nối Điện Biên và Lai Châu qua các huyện Tam Đường - Phong Thổ - Sìn Hồ - Mường Chà).

Đây là cung đường dành cho những ai say mê cảm giác lang thang qua núi, qua rừng, không có một điểm dừng chân cụ thể mà để cho những bất ngờ mùa xuân níu chân theo sở thích và sự may mắn. Dọc theo 2 quốc lộ trên miền biên ải xa xôi này, rất dễ dàng để có thể ngắm sắc xuân trên những gốc mận, gốc đào cổ thụ và những lễ hội chơi tết nho nhỏ của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao.

Phương tiện: ô tô và xe máy.

Điều kiện cần và đủ: một nhóm bạn đồng hành đến không quá 10 người để đảm bảo lộ trình và dễ dàng hỗ trợ nhau khi cần.

5. Đồng Văn - cao nguyên đá nở hoa

Cao nguyên đá Đồng Văn là một điểm đến đặc biệt bởi bốn mùa xuân hạ thu đông đều hấp dẫn dân di đến lạ lùng. Nhưng có lẽ mùa xuân - mùa cao nguyên đá nở hoa là mùa đẹp nhất, khi bên những chái nhà trình tường là gốc mận trắng hay cành đào phai nở kín hoa. Mùa các cô bé, cậu bé xúng xính váy áo tung tăng du xuân trên con đường Hạnh Phúc, nhảy chân sáo qua những mỏm đá tai mèo.

Thời gian: 3-4 ngày

Phương tiện: ô tô hoặc xe máy

Cung đường: Hà Giang - Quản Bạ - Yên Minh - Đồng Văn - Mèo Vạc - Hà Giang. Hãy khám phá cao nguyên đá bằng cách rẽ vào những con đường nhỏ dọc theo quốc lộ 4C để có những trải nghiệm khác biệt và thú vị.
Ăn, ở: rẻ mà vui 
Một trong những kinh nghiệm du xuân đáng giá, vui vẻ mà lại không hề tốn kém chi phí, chính là ăn, ở cùng đồng bào. Thực tế cho thấy các cung đường mùa xuân này đều nằm trên vùng biên giới phía bắc, nơi cư dân thưa thớt, dịch vụ chưa phát triển mạnh.
Vì thế, để đảm bảo cho thành công của chuyến du lịch vào dịp tết, các nhóm đi thường phải/nên có kế hoạch tự chuẩn bị đồ ăn mang theo (vốn dĩ rất dễ kiếm nhân dịp tết như bánh chưng, giò, thịt gà... ).
Trong quá trình di chuyển có thể kết hợp giao lưu với dân địa phương để cùng ăn, cùng ở. Đồng bào các dân tộc nói chung vốn rất thân thiện, mộc mạc, nếu khách đối xử với đồng bào bằng tấm chân tình, ắt sẽ có sự chân tình đối lại.
Cùng ăn, cùng ở với dân bản địa sẽ là một trải nghiệm thú vị. Bạn đã thử lần nào chưa?

Thứ Tư, 15 tháng 1, 2014

Phở Hà Nội - Xao xuyến bước chân người

Phở là một thứ quà đặc biệt của Hà Nội, không phải chỉ riêng Hà Nội mới có, nhưng chính là vì chỉ ở Hà Nội mới ngon.

Phở ngon phải là phở “cổ điển”, nấu bằng thịt bò, “nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát, thịt mỡ gầu giòn chứ không dai, chanh ớt với hành tây đủ cả”, “rau thơm tươi, hồ tiêu bắc, giọt chanh cốm gắt, lại điểm thêm một ít cà cuống, thoảng nhẹ như một nghi ngờ”. Chỉ có những con người yêu và gắn bó với Hà Nội mới cảm nhận được về một đặc sản của Hà Nội sâu sắc đến vậy.


Phở trong lòng người Hà Nội được trân trọng như một món quà. Người Hà Nội coi phở bữa ăn trong ngày, có thể dùng sáng, trưa hay tối. Nước dùng của phở được làm từ nước ninh của xương bò: xương cục, xương ống và xương vè. Thịt dùng cho món phở có thể là thịt bò, hay thịt gà. Bánh phở phải mỏng và dai mềm, gia vị của phở là hành lá, hạt tiêu, giấm ớt, lát chanh thái. Phở luôn phải ăn nóng mới ngon, người Hà Nội còn ăn phở kèm với quẩy. Để có được những bát phở ngon còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố như kinh nghiệm và bí quyết truyền thống của người nấu phở.


Hà Nội có rất nhiều thương hiệu phở nổi tiếng mang hương vị đặc trưng như: phở Lý Quốc Sư – đây là thương hiệu phở đã được khẳng định từ lâu. Phở ở đây rất ngon và có nhiều hương vị và có nhiều loại phở cho khách lựa chọn như: tái, chín, hay tái nạm gầu…. tùy vào sở thích của khách hàng. Đặc điểm của thương hiệu “phở Lý Quốc Sư” là nước dùng của phở đậm đà và rất thơm do cách chế biến và lựa chọn gia vị người nấu. Hay như phở Thìn, để có một bát phở ngon, ngoài việc chế ra nước phở vừa trong, vừa ngọt, vị ngọt sâu của xương ninh kèm gia vị, phở Thìn còn chú ý đến công đoạn xào thịt, chan phở. Thịt bò được xào trên một lò lửa nhiệt độ cao, mỡ đun nóng già, lửa bùng lên, đảo thật nhanh, thịt bò sẽ tái tức thì cho màu đẹp và ăn rất ngọt…”


Từ hương vị cho tới màu sắc của phở như một bức hoạ lập thể hơi bạo màu nhưng đẹp mắt, dậy lên hương vị, đánh thức tất thảy khả năng vị giác, khứu giác của người ăn, khiến con người ta có cảm giác đang được hưởng cái tinh tế của đất trời và con người hợp lại. Chỉ húp một tý nước thôi đã thấy tỉnh người. Thịt thì mềm, bánh thì dẻo, thỉnh thoảng lại thấy cái cay dịu của gừng, cái cay nồng của ớt, cái thơm nhè nhẹ của rau thơm. Tất cả cứ ngọt lừ, ngọt một cách hiền lành, êm nhẹ mà chân thật.

Phở Hà Nội, cái ngon của tất thảy những chất liệu đời thường ẩm thực Việt, được những đôi bàn tay tài hoa của người Hà Nội làm thành tác phẩm! Chính vì lịch sử và hương vị đặc trưng có nó, Phở đã trở thành một từ danh riêng nằm trong từ điển các thứ tiếng và được vinh danh là 1 trong 50 món ngon trên thế giới.

Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

Món ăn đường phố - Nét đặc sắc ẩm thực Sài Gòn

Đến với Sài Gòn, bạn không thể bỏ qua các món ăn đầy gần gũi với cuộc sống hằng ngày của những người làm công sở hay làm thuê .... Đây cũng là một nét rất "riêng" tại xứ sở Sài Thành này.

1.Ốc

Ở địa điểm Sài Gòn cho dù bạn ở quận nào, huyện nao, gốc nào, mặt đường lớn hay hẻm sâu hun hút, không khó khăn để tìm cho mình một quán ốc lai rai.

Chắc có lẽ không nơi đâu quán ốc, các món ốc lại đa dạng và tuyệt vời như ở Sài Gòn. Bất kể bạn là ai, khi đến quán ốc, cũng đều có thể tìm cho mình được món phù hợp. Từ ốc móng tay, óc hương, ốc nhung, sò long, sò huyết, sò điệp, hàu… cho đến “đồ hiếm” như ốc giấm, ốc vú nàng, ốc ngựa… đều xuất hiện trong menu của các quán.


Cách chế biến ốc cũng phong phú và hấp dẫn, nào hấp, luộc, nào xào, chiên, nào nướng, nào cháy tỏi, đút lò kết hợp với rau muống, tỏi, me… Món nào cũng thơm lừng khó cưỡng và mang vị đặc trưng của riêng nơi này. Tùy theo quán, theo món mà các loại nước chấm khác nhau, nhưng rau răm, tắc, muối tiêu thì quán nào cũng phục vụ kèm.

2. Cơm Tắm


Thứ “cơm nhà nghèo” của ngày xưa dần trở thành món đặc sản của miền Nam. Cơm tấm có sự kết hợp hài hòa giữa những hạt cơm nhỏ, màu trắng, rời, khô và các món cơ bản thông dụng như sườn nướng, chả trứng, trứng ốp la, bì và nhiều món khác. Được ưa thích nhất là cơm tấm sườn với miếng sườn heo phải được ướp đúng gia vị, khi ăn vừa có độ dai nhưng phải chín toàn diện, tỏa hương thơm ngào ngạt quyến rũ.


3. Hủ Tiếu

Ẩm Thực Miền Nam Bộ mang trong nó một danh sách dài các loại hủ tíu: hủ tíu Sa Đéc, hủ tíu Mỹ Tho, hủ tíu bò viên, hủ tíu Tàu… Được ưa thích và phổ biến nhất là hủ tíu Nam Vang và “hủ tíu gõ”.


 Khắp các ngõ, hẻm, con đường đều dễ dàng tìm thấy xe hủ tíu nghi ngút khói, nhất là lúc chiều về.

4. Bò Bía, Gỏi Cuốn.

Bò bía và gỏi cuốn tương đối giống nhau về hình dáng nhưng nguyên liệu thì có sai khác. Bò bía có nhân cuốn là củ sắn luộc, lạp xưởng, tôm khô, salad. Nó được dùng chung với tương đen xay, bỏ chút ớt, đồ chua, đậu phọng, hành phi, tạo ra mùi vị khá đặc biệt.

Trong khi đó, gỏi cuốn có đầy đủ rau sống, rau thơm, bún, tôm, thịt ba chỉ, dễ ăn và thân thiện hơn bò bía. Nước chấm gỏi cuốn là điểm thu hút và thể hiện “đẳng cấp” của từng quán. Chỉ với 2 loại: nước tương đen và mắm nêm nhưng do cách pha chế và tay nghề khác nhau mà có chỗ khách “ăn hoài không ngán” nhưng có chỗ chỉ chừng 1 – 2 cuốn là khách bỏ đi. Với các nguyên liệu đa dạng kết hợp một cách tuyệt vời, đánh thức ngũ vị khiến gỏi cuốn phù hợp với nhiều người, nhiều lứa tuổi, đáng để thử.


5. Lẩu Cá Kèo.

Sài Gòn nắng nóng, tưởng là không hợp với lẩu nhưng thật ra, người Sài Gòn ăn lẩu quanh năm và đó luôn là món được chọn trong các buổi họp mặt hay tiệc tùng. Sài Gòn có đủ loại lẩu: mắm, cá, lẩu Thái, lẩu nấm… Mỗi loại lẩu có hương, vị khác nhau song đều mang đến những trải nghiệm thú vị, nhất là lẩu cá kèo và lẩu dê.


Lẩu cá kèo mang hương vị miền Nam đặc trưng và hương thơm khó quên. Cá kèo chín, ăn cả con, thịt có vị ngọt bùi, thấm thêm vị chua chua chát chát của lá dang, chấm thêm vị mặn của nước mắm ớt tươi cay nồng, thỉnh thoảng nghe đắng ở đầu lưỡi vì mật cá mới tròn vị. Thực khách chan nước lẩu đang sôi vào chén bún, thêm chút mắm, vừa thổi vừa ăn, vừa hít hà cái vị tổng hòa chua cay mặn ngọt thật dễ gây nghiện. Các loại rau ăn kèm: chuối, rau nhút, rau đắng… cũng ngon không kém tạo thêm nét riêng cho loại lẩu này.

Những món ăn cổ truyền không thể thiếu trong ngày tết Việt Nam

1. Bánh chưng

Là món bánh duy nhất có lịch sử lâu đời trong văn hóa ẩm thực Việt Nam. Bánh chưng tượng trưng cho mặt đất là thức bánh mà hoàng tử Lang Liêu đời Vua Hùng thứ 16 đã sáng tạo ra nhằm thể hiện lòng biết ơn với cha ông và đất trời xứ sở.


Nguyên liệu chính làm nên chiếc bánh chưng chính là gạo nếp như nhấn mạnh tầm quan trọng của cây lúa và thiên nhiên trong nền văn hoá lúa nước, ngoài ra còn có đậu xanh, thịt lợn, lá dong được gói ghém vuông vức và đem luộc chín. Bánh rất thơm, dền và xanh ngắt màu xanh của lá.

Nhắc đến bánh chưng, là nhắc đến một món ăn truyền thống rất đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

2. Thịt kho tàu

Thịt kho tàu không những là món ngon ngày Tết mà còn được nâng lên thành nghệ thuật có giá trị văn hóa cao. Chính màu thịt đỏ au, màu trứng hồng hồng và màu cá lóc nâu nâu hòa cùng với nước kho thịt sóng sánh đã làm tăng thêm sự quyến rũ và cảm giác thèm thuồng nhờ độ béo, ngọt và mặn vừa phải. Nếu như thịt kho có vị thơm tho, beo béo thì cá và trứng sẽ mang lại cho ta một mùi ngòn ngọt hòa cùng với vị chua cay của các món ăn kèm sẽ tác động vào mọi giác quan và tạo nên sự quân bình âm dương trong cơ thể.


Tuy nồi thịt kho tàu không đòi hỏi phải cầu kỳ nhưng không phải ai cũng kho được. Kho như thế nào cho thịt rệu mà mỡ và thịt vẫn còn nguyên vẹn, nước mỡ trong vắt và màu thịt từ vàng đến đỏ au? Muốn có một nồi thịt thơm phức, thịt để vào đầu lưỡi tan mềm, chọn những miếng thịt đùi bắp hoăc thịt lưng nửa nạc nửa mỡ đem về làm sạch, cắt ra từng miếng vuông rồi đem ướp với tỏi, ớt, đường, nước mắm, thêm chút rượu trắng và một ít nước dừa tươi, giữ cho gia vị thấm đều vào thịt chừng hơn một tiếng đồng hồ là bắc lên bếp. Đợi khi nước sôi vài dạo, hớt bọt, mới cho cá lóc cắt khứa và hột vịt lột vỏ vào nồi. Phần quan trọng sau cùng là cho nước dừa tươi vào và nêm nếm cho vừa ăn. 

Bí quyết của nồi thịt kho tàu là ướp thịt, kho bằng nước dừa và giữ lửa riu riu cho đến khi nào nồi thịt chín mềm. Nhưng muốn cho nồi thịt thật nhừ phải hâm đi hâm lại nhiều lần. Hâm đến nỗi nạc mềm ra, mỡ trong vắt, ăn vào không cảm thấy ngấy. Khi cho vào miệng, chưa cần nhai miếng thịt đã tan dần, lắng nghe như có mùi thơm phức và tuyệt hảo nhờ sự phối ngẫu tinh tế giữa các vị béo, ngọt, mặn và chua cay.Ngày Tết gia đình nào cũng giữ được những món ăn truyền thống. Riêng món thịt kho tàu lúc nào cũng tạo cho tôi một ấn tượng khó quên.

3. Giò lụa (chả lụa)

Được biết đến như một món ăn vừa thông dụng vừa sang trọng, giò lụa là một món ăn thường xuyên xuất hiện trong những bữa ăn của người dân Việt Nam. 


Giò lụa truyền thống được làm từ 3 nguyên liệu chính là thịt nạc thăn giã nhuyễn kết hợp cùng nước mắm ngon sau đó gói trong lá chuối xanh và đem luộc chín.

4. Xôi

Xôi là một món ăn rất thông dụng trong đời sống của người dân có chung nền văn hóa lúa nước. Với nguyên liệu chính là những nông sản như gạo, đỗ, lạc…được mang đi đồ hoặc hấp chín. 


Món xôi thường được ăn nóng, gạo chín dẻo thơm không bị nát là đạt tiêu chuẩn. Trong những dịp lễ tết người dân ưa thích sử dụng nhất là món xôi gấc. Theo văn hóa các nước Châu Á nói chung màu đỏ đem lại sự may mắn, cát vượng. Khi đồ xôi cùng gấc chín sẽ cho ra một màu đỏ tự nhiên rất đẹp mắt. Người Việt Nam cho rằng màu đỏ từ xôi gấc sẽ khiến họ gặp được nhiều may mắn trong năm mới.

5. Gà luộc

Không cầu kì hay kiểu cách nhưng món gà luộc lại là món ăn rất được ưa chuộng trong các bữa tiệc dù lớn hay nhỏ. 

Gà trống luộc nguyên con là một món ăn không thể thiếu trong mâm cơm cúng tổ tiên của người Việt trong ngày Tết.


6. Nem rán (chả giò)

Món nem thơm giòn chấm với nước mắm chua ngọt là một món ăn rất ngon và ngày càng được nhiều thực khách nước ngoài yêu thích. 


Làm món nem cũng không hề khó, những nguyên liệu không thể thiếu là thịt lợn băm nhuyễn, trứng gà hoặc trứng vịt, một vài loại củ như su hào, cà rốt... cùng với miến, mộc nhĩ…trộn đều với ít gia vị rồi đem cuốn với bánh đa (bánh tráng) rồi đem rán (chiên) vàng.

Món nem là món ăn rất đặc sắc trong mâm cỗ của người dân Việt.

Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2014

11 món ăn đường phố hấp dẫn du khách tại Sài Gòn

Sài Gòn không chỉ nổi tiếng bởi những tòa nhà chọc trời hay những khu trung tâm mua sắm tráng lệ, nó còn được biết đến với một nền ẩm thực phong phú, đa dạng.

Ẩm thực Sài Gòn, một nơi hội tụ nét văn hóa ẩm thực đặc trưng nhiều vùng miền khác nhau. Các món ngon không chỉ được phục vụ trong những nhà hàng, quán ăn sang trọng mà ngay cả ẩm thực vỉa hè cũng như một mê lộ khiến bạn khó lòng mà thoát ra được. Các món ăn vặt vỉa hè Sài Gòn có một mức giá bình dân nhưng hương vị món ăn ngon tuyệt, lạ miệng mà ai đã từng nếm qua thì không dễ dàng quên được. 

1. Bánh tráng trộn

Bánh tráng trộn là một trong số những món ăn vặt có nguyên liệu chế biến đơn giản nhất nhưng ngon khỏi chê. Chỉ với nguyên liệu đơn giản như bánh tráng cắt sợi, trộn với tôm khô chiên mỡ, các thành phần còn lại thay đổi theo người bán, thường là phổi bò cháy, rau răm, đu đủ chua sợi, sốt tương, đậu phộng,... nhưng khi trộn đều với nước mắm sốt me ngọt và rau răm, món ăn lại mang một hương vị khá thơm ngon, ăn hoài không chán.


2. Bánh tráng nướng

Bánh tráng nướng được phết một lớp trứng cút lên bề mặt cùng với thịt băm và mỡ hành, nướng kỹ cho đến khi có màu vàng rộm và vị thơm của trứng lan tỏa. Bánh tráng nướng không chỉ là món ăn hấp dẫn các chị em mà cánh đàn ông cũng khó từ chối chiếc bánh nóng hổi, giòn và thơm phức này.


3. Ốc

Từ con hẻm nhỏ đến mặt đường lớn, không khó tìm một quán ốc để dừng chân. Quán ốc là từ gọi chung, bởi ở đó còn có nhiều loại hải sản khác. Có đủ cách chế biến để món ốc luôn hấp dẫn, từ hấp, luộc, xào, chiên đến nướng, đút lò… với đủ thứ gia vị như tỏi, hành, tiêu, ớt, rau răm…


4. Phá lấu

Phá lấu là món ăn quen thuộc của người Hoa, làm từ nội tạng động vật. Có rất nhiều loại phá lấu: phá lấu heo, phá lấu gà vịt, phá lấu bò… Trong đó, món phá lấu bò được ưa thích hơn cả. Đây là món ăn dân dã, ngon miệng, có sức cuốn hút đến kỳ lạ không chỉ đối với học trò nhỏ mà cả giới sinh viên, công chức. Bạn có thể ăn phá lấu với bánh mì, hoặc mì gói hoặc độc hơn là phá lấu nướng hoặc chiên.


5. Bột chiên

Bột chiên là món ăn đơn giản làm từ bột gạo, giòn bên ngoài, dẻo bên trong, là món vặt hết sức hấp dẫn. Tùy từng nơi và khẩu vị khách mà món bột chiên sẽ được chế biến khác nhau. Những miếng bột vàng giòn, điểm chút xanh của hành lá, phơn phớt đu đủ, đo đỏ của tương ớt, thơm lừng trứng chiên đã làm mê mẩn bao cư dân Sài Gòn.


6. Xiên chiên/nướng

Cá viên, bò viên, tôm viên, đậu bắp, đâu hũ… sau khi xâu lại thành từng xiên sẽ được đem chiên trong chảo dầu nóng cho đến khi những viên thịt phồng to, cháy vàng. Món này ăn với tương ớt và tương đen có vị cay nồng, mằn mặn, giòn dai, nhai sần sật, không quá mềm cũng không quá cứng. Ở một số nơi còn ăn kèm với củ cải, cà rốt ngâm giấm, dưa leo…


7. Súp cua

Đây là một món ăn được ưu chuộng bất kể trời nóng hay lạnh, cũng là món được được bày bán từ nhà hàng ra đến hè phố. Một chén súp ngon thường nóng hổi, có màu trắng của trứng gà, màu đỏ của thịt cua, mùi thơm của tiêu, của rau ngò. Thêm một chút ớt, chút dầu mè, ăn hoài không chán.


8. Bò bía

Bò bía là món ăn dân dã, cách làm vô cùng đơn giản. Chỉ cần cuốn hỗn hợp củ sắn, tép khô, xà lách, rau thơm, lạp xưởng, trứng trong một miếng bánh tráng mỏng là đã có một cuốn bò bía. Bò bía ngon ở nước chấm. Tương hột được chưng lên là món chấm không thể thiếu của bò bía miền Nam. Nước chấm phải vừa đủ ngọt của đường, hơi cay của ớt, beo béo của dầu và bùi bùi của đậu phọng. Người lần đầu ăn loại nước chấm này sẽ thấy vị thật lạ, nhưng đã ăn một lần thì rất khó quên hương vị nước chấm này.


9. Chim cút chiên bơ

Món chim cút chiên bơ hấp dẫn người đi đường bởi hương thơm ngào ngạt. Chim cút chiên bơ ngon là những con chim cút ánh màu nâu vàng tự nhiên chứ không phải màu đỏ thực phẩm.vị béo mềm của phần thịt. Khi ăn, phần thịt phải béo, mềm, còn phần đầu, cánh và chân phải giòn tan. Nước sốt chim cút cùng ổ bánh mì nóng hổi cũng là một trong những đặc điểm khiến món ăn này hấp dẫn những cái bụng chưa hay đang đói.


10. Gỏi khô bò

Gỏi khô bò là một món ăn đơn giản, dễ chế biến. Đi ăn gỏi khô bò cũng chẳng phải đợi lâu. Vừa gọi món đã có ngay một đĩa gỏi khô bò đầy màu sắc mà ngon miệng. Khô bò thường là loại phổ bò qua chế biến và ướp gia vị kỹ càng, không giống như loại khô làm từ thịt bò được đóng gói bán sẵn trong các siêu thị. Gỏi khô bò phải ăn với đu đủ bào. Đu đủ được bào sợi, ngâm nước muối để khử mủ vào tăng độ giòn. Phía trên được trang trí bởi mấy cộng rau răm thái nhỏ, tăng mùi vị và tạo màu sắc bắt mắt thanh nhã, lại thêm mấy hạt đậu phụng rang vàng giòn rụm.


Gỏi đu đủ khô bò hơn thua nhau ở nước trộn gỏi, hương vị nước trộn mỗi nơi đều có bí quyết riêng. Nước gỏi ngon thường được pha giữa giấm, nước tương và nước ớt. Tùy theo liều lượng pha mà ra hương vị ngon hay dở. Ăn gỏi khô bò không thấy no, rất nhẹ bụng mà lại kích thích vị giác.

11. Hủ tiếu gõ

Đặc trưng của món ăn này là âm thanh do người bán hủ tiếu tạo ra bằng thanh tre và chiếc muỗng inox gõ vào nhau tạo thành âm thanh cốc cốc đi khắp con đường, ngõ hẻm. Người muốn ăn, chỉ cần bước ra ngõ, gọi một tiếng là vài phút sau đã có một tô hủ tíu nóng sốt với hủ tíu, vài lát thịt mỏng, vài cọng giá, cọng hẹ, hành khô và miếng tóp mỡ bùi thơm.


Sức hấp dẫn của món ăn nằm ở chỗ chẳng có gì đặc biệt nhưng khi kết hợp với nhau lại làm nên một hương vị "ngon không bình thường". Món hủ tíu mì khô thường đi kèm với chén nước dùng trong vắt, nổi bật vài cọng hẹ xanh mát.










Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2014

Choáng ngợp trước vẻ đẹp "hút hồn" ở thung lũng Pakistan

Ở những nơi khác nhau của mọi miền đất nước Pakistan nhưng những thung lũng tuyệt đẹp nơi đây đều mang nét hoang sơ, hùng vĩ đến choáng ngợp của tự nhiên. Với những ngọn núi chọc trời, những thung lũng cỏ xanh mượt, những dòng sông vĩ đại, những hồ nước tuyệt đẹp, và không thể không nhắc tới thiên nhiên hoang dã đáng kinh ngạc.

Thiên đường trên Trái Đất “Thung lũng Neelum” và ngọn núi khổng lồ “Thung lũng Hunza” là hai trong số những địa điểm thu hút nhiều du khách đến với Pakistan nhất. 

1. Thung lũng Neelum

Thung lũng Neelam là vùng đất hình cánh cung dài 144 km thuộc vùng đất Azad Kashmir. Thung lũng này tọa lạc ở phía Bắc và Đông Bắc Muzaffarabad (Thủ phủ của tỉnh Azad Kashmir). Chạy dọc theo dãy Lesser Himalaya, dòng sông Neelam ồn ã, những ngọn đồi chọc trời với thảm cỏ xanh mướt mang lại cho nơi đây một cảnh quan nên thơ tuyệt đẹp.


Thung lũng Neelum là một trong số những địa danh thu hút khách du lịch nhất. Nếu có dịp ghé thăm, bạn không nên bỏ lỡ những địa điểm nổi tiếng như Athmuqam, Kutton Jagran, Karen, Neelum, Ratti Galli, Baboon, đỉnh Noori, Sharda, pháo đài Sharda, trường đại học Sharda (trường đại học lâu đời nhất ở tiểu lục địa này), Surdon, Halmet, Taobut...

2. Thung lũng Hunza

Thung lũng Hunza là một thung lũng đồi núi nằm ở vùng Gilgit – Baltistan. Đã từng là vùng đất dành cho vua chúa, thung lũng Hunza tọa lạc bên cạnh phía Tây Bắc của con sông Hunza, ở độ cao khoảng 2.500 m.


Thung lũng chia làm ba phần – Thượng Hunza (Gojal); Trung Hunza và Hạ Hunza. Thung lũng Hunza là một điểm tham quan lý thú và có rất nhiều nơi để thăm thú. Một vài cái tên nổi tiếng là Rakaposhi, Diran, dòng sông băng Hoper, Passue và Gulmit, đèo Khunjrab, hồ Atta Abad và thung lũng Nagar.

3. Thung lũng Swat

Swat là một thung lũng và quận hành chính của tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Pakistan. Đây là thung lũng trên cao của sông Swat, bắt nguồn từ vùng Hindu Kush. 


Thung lũng Swat được mệnh danh là Thụy Điển thu nhỏ của Pakistan có rất nhiều địa điểm dành cho du khách đam mê khám phá như thung lũng và hồ Mahodand, thung lũng và rừng Ushu, Malam Jabba (khu trượt tuyết ở thung lũng Swat), Madyan, thung lũng Kalam, Bonir, Der và rất nhiều thắng cảnh thiên nhiên khác.

4. Thung lũng Kalash

Thung lũng Kalash là một trong những niềm tự hào thuộc về lịch sử của người dân Pakistan, nằm ở quận Chitral. Thung lũng này có một lịch sử lâu đời gây nhiều tranh cãi. Kalash trên thực tế là một nền văn minh bắt nguồn từ Hy Lạp cổ xưa.


Những cư dân nơi đây thuộc về nền văn minh có tên là “The Kelash”, một bộ lạc rất lâu đời và có nền văn minh cũng như tôn giáo của riêng họ. Họ sống chủ yếu trong những ngôi làng nhỏ dựng ven đồi. Người dân ở đây rất vui vẻ, họ có rất nhiều lễ kỉ niệm hàng năm, như lễ hội Uchal, Phoo và Chomos.

5. Thung lũng Kaghan

Thung lũng Kaghan là một nơi rất đẹp nằm ở phía Đông Bắc quận Mansehra. Nơi đây thu hút không chỉ du khách Pakistan mà còn từ khắp nơi trên thế giới. Nằm bên dưới dãy núi Himalaya, thung lũng Kaghan nổi tiếng vì vẻ đẹp lộng lẫy và thiên nhiên phong phú của nó.


Du khách đến đây nên thử ghé qua các thắng cảnh như Shogran, Jared, Naran, hồ Saiful Muluk, hồ Dudipat Sar, hồ Lulu Sar, đèo Babusar.

Khám phá những con đường "hấp dẫn" nhất thế giới

Chinh phục những địa danh nguy hiểm trên thế giới là sự thử thách của không biết bao nhiêu người. Những vách đá cheo leo, những vực sâu hun hút mà không có đồ bảo hộ, đó chính là lòng can đảm của cá nhân khi thám hiểm.

1. Đường Half Dome ở Yosemite, Mỹ


Thực chất, đây là một mỏm đá granite hình mái vòm cao 1445m so với đáy thung lũng Yosemite và 2697m so với mực nước biển. Để lên tới đỉnh mỏm đá, dân leo núi phải đi qua13,7km đường mòn núi đá và 3,2km đường gồm các bậc thang đá granite và 120m cuối cùng trên các cáp dây thép đóng sâu vào mặt đá. 


Mỗi năm khoảng 50.000người tới đây thử thách với con đường đá thẳng đứng để tới được đỉnh mỏm đá Half Dome - một nơi bằng phẳng không ngờ có thể dựng lều, nằm nghỉ thư giãn ở đây.


2. Con đường kính SkywalkTrail, Trung Quốc


Con đường mang tên Skywalk -Tản bộ trên không nằm ở độ cao 1432m so với mực nước biển trên vách núi Thiên Môn, Trung Quốc.

Skywalk dài 60m hoàn toàn bằng kính chịu lực nên du khách được cung cấp 1 đôi dép để khỏi bị trượt ngã và làm hỏng bề mặt kính.

 

Ngoài ra,không ai được phép chạy nhảy để thử độ bền của con đường để đảm bảo sự an toàncho người tham quan. Trước đây, để tận hưởng cảm giác chốn thần tiên của núi Thiên Môn trên con đường kính du khách phải leo bộ 999 bậc thang nhưng hiện nay đã có cáp treo phục vụ tận nơi.

3. Đường cầu thang Ha'iku, Hawaii


Với 3.922 bậc thang nằm trên độ cao 855m ẩn mình trong những đám mây trắng trên đảo Oahu, Hawaii, con đường Ha'iku từng được sử dụng vào mục đích quân sự. 


Mặc dù có lệnh cấm nhưng rất nhiều tay leo núi liều lĩnh vẫn muốn thử sức ở đây nên họ thường leo cầu Ha'iku vào buổi tối. Họ phớt lờ cả nguy cơ bị lở đất bất cứ lúc nào để chinh phục con đường tử thần này.

4. Con đường của tử thần, Machu Picchu, Peru


Du ngoạn trên con đường Inca Trail dẫn tới khu di tích Machu Pichu là một thử thách cũng rất khó khăn. Bạn hãy tưởng tưởng bước đi trên những mỏm đá nhôra từ bức tường ở độ cao gần 2.500m và nguy cơ tức ngực, chóng mặt do thay đổi độ cao luôn rình rập. Đó là những bậc thang của tử thân mà người Inca xưa đã tính toán kỹ lưỡng trước khi thực hiện.


5. Con đường El Caminito Del Rey, Tây Ban Nha

Con đường này được mệnh danh là Con đường của Vua nằm ở miền nam Tây Ban Nha được xây dựng năm 1905 cho các công nhân đi lại giữa 2 nhà máy thủy điện.


Sau khi xảy ra tai nạn chết người của 2 người đi bộ, chính quyền đã đóng cửa con đường năm vào năm 2000.

Con đường của Vua nằm cheo leo, uốn lượn theo vách núi El Chorro chỉ rộng 1m, dài hơn 3km và cao hơn 100m so với mặt sông bên dưới.


Những người leo núi có thể bám theo tay vịn bằng thép trên mặt đường hoàn toàn bằng bê tông đã có nhiều chỗ nứt vỡ dù được chống đỡ kiên cố. Nguy hiểm nhưng vẫn có rất nhiều tay leo núi không thèm sử dụng bất cứ thiết bị an toàn nào khi đi trên con đường hiểm trở, mạo hiểm này.


Top 6 khách sạn hàng đầu thế giới sắp khai trương

Để đáp ứng được những nhu cầu của khách hàng, các tập đoàn lớn đã cho xây dựng những khách sạn cao cấp để cung ứng cho thị trường hiện nay. Các khách sạn này mở cửa tại những địa chỉ du lịch hàng đầu như London, Anh Quốc hay đến thành phố gần biển Whitsundays của Australia.

1. Shangri-La, Anh

Khách sạn Sangri-La đầu tiên ở Vương quốc Anh tọa lạc tại vị trí đắc địa trong The Shard, tòa nhà cao nhất Tây Âu (87 tầng) do kiến trúc sư nổi tiếng người Italy Renzo Piano thực hiện. Nằm rất gần cây cầu tháp London bắc ngang sông Thames, khách sạn chiếm từ tầng 34 đến tầng 52 của tòa nhà Shard với 202 phòng và từng đó nhân viên luôn sẵn sàng phục vụ tận tình cho du khách.

Góc nhìn của Shangri-La qua cửa kính bao quát nhà thờ thánh Paul, cầu tháp London (Tower Bridge) và tháp London (London Tower). Tầng 52 thuộc tòa nhà là không gian quán bar Gong cao nhất thủ đô và hồ bơi vô cực (infinity pool) ấn tượng nhìn xuống thành phố.

2. Peninsula Paris, Pháp

Mất hơn 4 năm để công trình khách sạn Peninsula Paris được hoàn thành và sẽ mở cửa vào ngày 1/4.

200 căn phòng, quán bar trên sân thượng, spa dưới tầng hầm và tất nhiên là không thể thiếu Cigar Louge, một nơi thư giãn giải trí mang đậm chất Paris. Khách sạn tọa lạc trong tòa nhà được xây dựng cách đây 100 năm theo kiến trúc Beaux-Arts có góc nhìn tuyệt đẹp về phía đại lộ Champ Elyseés và Khải Hoàn Môn, một trong những điểm đến thu hút du khách hàng đầu tại kinh đô ánh sáng.

Không khí Á Đông giữa lòng châu Âu, nhà hàng với các món ăn Trung Hoa hay quầy uống trà cũng được tích hợp trong khuôn viên khách sạn. Hiện chưa có giá công bố chính thức.

3. Sofitel Shanghai Jing’an, Trung Quốc

Thượng Hải là thành phố sôi động và quyến rũ hàng đầu tại Trung Quốc. Sự có mặt của Sofitel Shanghai Jing’an góp thêm một cái tên vào danh sách những nơi lưu trú sang trọng và uy tín cho đô thị rộng lớn và bận rộn này. Nằm gần con đường mua sắm Nanjin, khách sạn có đến 68 tầng với 503 phòng, quầy bar trên sân thượng, nhà hàng là nơi gặp gỡ của ẩm thực Pháp và Trung Hoa.

Đã 2 lần bị dời ngày khánh thành, Sofitel đang nỗ lực để có thể mở cửa đón du khách vào tháng 9.

4. Cromlix, Scotland

Khách sạn thuộc sở hữu của nhà vô địch Wimbledon Andy Murray sẽ mở cửa vào 1/4. Sau khi mua lại tòa nhà được xây từ 1874, tay vợt nổi tiếng nhất Vương Quốc Anh đã cho trùng tu lại với 15 căn phòng hạng tiêu chuẩn và phòng suite.

Ngoài vị trí lý tưởng tọa lạc rất gần Gleeages nới sẽ tổ chức giải Golf Ryder Cup, khách sạn còn có Albert Roux nhà hàng đầu tiên ở Vương Quốc Anh nhận 3 ngôi sao Michelin (sách ẩm thực uy tín chuyên xếp hạng các nhà hàng trên khắp thế giới). Cromlix cũng nằm không xa Dunblane, quê nhà của Andy Murray và chưa đến 80 km từ Glasgow hay Edinburgh. Giá phòng dự định từ 350 USD/đêm.

5. One & Only Hayman Island Resort, Australia

Nếu bạn đã từng nghe về vỉa san hô mang tên Great Barrier Reef dài và lớn nhất thế giới ngoài khơi bờ biển bang Queensland thì hãy tham khảo thêm One & Only Hayman Island Resort. Resort này có thể sánh ngang với những resort - khách sạn tại Bahamas, Malpes hay Dubai về vẻ đẹp thiên nhiên xung quanh. Những căn villa với hồ bơi riêng tư, khu bãi biển trong xanh và cát trắng mịn màng là những ấn tượng đầu tiên mang đến cho du khách.

Nếu muốn trải nghiệm sự sang trọng, tĩnh lặng và một thế giới thủy sinh giàu sắc màu, bạn hãy chờ đến tháng 7 khi One & Only Hayman khai trương và chuẩn bị 730 USD cho một đêm lưu trú.

6. Sea Sentosa Echo Beach, Indonesia

Chưa khai trương nhưng resort ngay trước biển ở Bali này đã giành giải thưởng London’s International Property Awards cho căn phòng khách sạn đẹp nhất. Nằm ở phía bắc của khu vực Seminyak trên bãi biển Canggu nổi tiếng với các tay lướt ván, 68 căn hộ của resort quyến rũ với khu vườn do nhà thiết kế người Pháp Patrick Blanc thực hiện, thêm một bể nước xanh mát ngay khoảng sân nhìn ra phía đại dương bao la.



Nếu tìm kiếm một nơi ăn tối, hai nhà hàng ngoài biển cho phép bạn gần gũi thiên nhiên tới mức vừa vùi chân vào lớn cát mịn vừa có thể dùng bữa. Ke De Ta và Potato Head hứa hẹn sẽ thu hút các du khách với không gian nhà hàng giữa bầu trời ngàn sao. Resort dự định khai trương vào tháng 7 và có giá phòng thấp nhất từ 175 USD.