Thứ Hai, 6 tháng 10, 2014

Kinh nghiệm phượt, du lịch Sapa tự túc giá rẻ (hướng dẫn chi tiết)

Một Sapa tọa mình trên núi cao, quanh năm luôn ẩn mình sau lớp sương mù và e ấp dưới cái tiết trời lạnh giá luôn là một điểm đến du lịch đầy hứa hẹn của nhiều du khách. Du lịch bụi, phượt Sapa thú vị nhất chính là được tự mình trải nghiệm cái cảm giác du lịch Sapa tự túc đến nơi này. Cảm giác vượt đèo cao, băng qua những con đường quanh co, khúc khuỷu mờ mờ sương khói thật khó mà diễn tả được.

Đôi nét về Sapa

Sapa với kiểu thời tiết dịu mát và se lạnh quanh năm là một địa danh du lịch đẹp và thơ mộng. Sapa nằm trên độ cao 1600m so với mặt nước biển, cách Hà Nội 370km và cách thành phố Lào Cai 38km.

Nằm giữa trung tâm thị trần này, xen giữa các vườn đào và hàng samu xanh ngát là những biệt thự cổ kính đến bên những công trình hiện đại, xinh xắn; màu sắc và những đường nét hình khối vô cùng khỏe khoắn, đa dạng; lúc ẩn lúc hiện, làm cho thị trấn như có vẻ đẹp riêng đầy quyến rũ của một đô thị nhỏ châu Âu.

 Kinh nghiệm du lịch bụi Sapa

Nói về Sapa là phải nhắc đến Nóc nhà Đông Dương đồ sộ - Đỉnh PhanXiPang, phải nhắc đến những bản làng của người dân tộc núi cao, những chàng trai cô gái với những chiếc gùi trên lưng và một kiểu khí hậu ôn hòa, quanh năm luôn dịu mát làm say đắm và thôi thúc khách du lịch đến từ muôn nơi.

Một vài kinh nghiệm du lịch bụi, phượt Sapa giá rẻ mà bạn nên quan tâm khi lên kế hoạch cho chuyến đi của mình.

Đi Sapa thời gian nào?

Mẹ thiên nhiên ưu ái dành tặng cho Sapa cái kiểu thời tiết dễ chịu như ở phương Tây. Thế nên đi du lịch bụi Sapa mùa nào cũng thích hợp, mỗi mùa như mang đến cho Sapa một nét đẹp riêng hiếm thấy ở những nơi khác. Mùa hạ ở Sapa khá dịu mát, không nóng gay gắt như ở đồng bằng và ven biển.

Cũng thời gian này, Sapa diệu kì thay khi một ngày có đủ nét tinh tế của bốn mùa: sáng, chiều là thời tiết của mùa xuân, mùa thu; trưa là thời tiết mùa hạ, vươn chút nắng nhẹ, đêm về trời lạnh cũng là lúc mùa đông thường ngự trị. Những tháng mùa đông, Sapa như thu mình, e ấp trước sự bao phủ mây mù và sương lạnh, nhiệt độ khi này có khi xuống dưới 0oC, có năm Sapa còn dày đặc những bông tuyết phủ khắp nơi từ sân nhà ra đến khắp nẻo đường. Các bạn có đi du lịch bụi, phượt Sapa cũng nên chú ý: Sapa từ thạng kéo dài đến tháng 8 thường hay mưa nhiều, nhớ hãy mang theo các đồ dùng để giữ ấm và chống mưa.

Sapa lúc nào cũng đẹp cái vẻ của miền sơn cước hữu tình, nhưng có lẽ rạng rỡ nhất là vào khoảng thời gian tháng 3 – 5 hoặc những tháng cuối năm từ tháng 9 - 12.

Tháng 3 - 5: thời tiết dễ chịu, người dân sống ở nơi này bắt đầu bước vào mùa cấy lúa trên những thửa ruộng bậc thang. Hình ảnh trông đẹp vô cùng.

Tháng 9 – 11: Sapa bước vào mùa lúa chín vàng trên những ruộng bậc thang. Thời gian này, du khách đến Sapa sẽ không tránh khỏi cái ngất ngây, say lòng khi nhìn thấy chiếc áo vàng ươm rực rỡ của Sapa trải dài khắp những quả đồi.

Tháng 12 – tháng 2 năm sau: Sapa rất lạnh. Những bông tuyết có khi vô tình rơi xuống và làm trắng xóa hết cả vùng đất này. Dù rất lạnh, nhưng cái khung cảnh lãng mạn của mùa đông tuyết rơi miền nhiệt đới lấm chấm những bông hoa đào nở như thế này sẽ khiến bạn thích thú mãi không thôi.

Đi Sapa bằng phương tiện gì?

Hầu hết mọi hành trình phượt hay đi du lịch bụi Sapa đều xuất phát từ Hà Nội. Hãy làm một chuyến ra thăm thú thủ đô Đất Việt rồi dùng xe khách hoặc tàu hỏa để có thể đến được Sapa.

- Tàu hỏa: bạn có thể lên trang web của cục giao thông đường sắt hoặc đến ngay ga Hà Nội để có thể biết về lịch trình, mua vé và trải qua 8h đồng hồ để đến với ga Lào Cai. Từ đây, bạn hãy theo xe buýt hoặc nhờ nhân viên nơi khách sạn bạn đặt chỗ trước đưa bạn đến với Sapa.

- Xe khách: Hiện nay từ Hà Nội đã có rất nhiều nhà xe khai thác chuyến hành trình Hà Nội – Lào Cai – Sapa. Bạn có thể tham khảo một vài nhà xe uy tín như Sao Việt, Hải Vân, Hà Sơn, Đại Phát, Việtbus, Hưng Thành, Phùng Thắm,….

Đến Sapa việc thuê xe máy sẽ tiện hơn để bạn vi vu khắp phố phường Sapa. Một vài địa chỉ dưới đây bạn có thể ghé đến để thuê xe. Giá thuê chỉ từ 150.000 – 200.000/ngày

- Trung tâm Thông tin Du lịch Lào Cai - Số 02 Fansipan - Sapa - Lào Cai.

Điện thoại: 020 3871975

- Mr Tuấn : Điện thoại : 0983 644588

- Mr Tráng : Điện thoại : 0935 999886

- 21 Thạch Sơn. Huyện Sapa. Lào Cai. Điện thoại: 0983 644588

Ngoài ra, bạn có thể chọn cho mình cách đi du lịch bụi Sapa bằng xe máy, nếu không ngại đường xa và vượt đèo cao, thích khám phá.

Đi du lịch bụi, phượt Sapa bằng xe máy bạn có 2 cùng đường để lựa chọn là đi theo hướng Lai Châu và hướng qua Lào Cai để lên Sapa.

Đi phượt Sapa theo hướng Lào Cai: Hà Nội – Vĩnh Phúc – Việt Trì – Phong Châu – Đoan Hùng – Yên Bái – Lào Cai – Sapa (Tổng đường khoảng 360km)

** Ưu điểm: Tuyến đường đi qua Lào Cai rồi lên Sapa gần và dễ đi.


Từ Hà Nội đến Vĩnh Phúc (Các bạn đi qua Cầu Thăng Long, tới ngã 4 Tiền Phong rẽ trái hoặc tới ngã 4 Phú Cường rẽ trái đều được. Các bạn nên đi theo đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai là nhanh nhất (tới Đông Anh các bạn hỏi nhé). Sau đó từ Vĩnh Phúc qua thành phố Việt Trì, đi thẳng lên Đoan Hùng, Phú Thọ. Từ thị trấn Đoan Hùng bạn hỏi đường đi quốc lộ 70, chạy dọc theo quốc lộ 70 sẽ tới thành phố Lào Cai. Tới thành phố Lào Cai hỏi đường quốc lộ 4D (hoặc đường đi Sapa).

Đi phượt Sapa theo hướng Lai Châu: Hà Nội – Hòa Lạc – Sơn Tây – Thanh Sơn – Dọc QL32 – Sapa (Tổng đường hơn 420km)

** Ưu điểm: đi theo lối Lai Châu bạn sẽ được chinh phục hai trong “tứ đại đèo” huyền thoại của Tây Bắc là Khau Phạ dài 30km và Ô Quy Hồ dài hơn 50km. Không chỉ thoải mái chinh phục các con đèo, thoải mái dừng nghỉ ngơi, chụp ảnh…


Hà Nội – Sơn Tây – Thanh Sơn dọc theo quốc lộ 32 bạn sẽ gặp con đèo Khau Phạ dài hơn 30km. Sau đó tới Mù Căng Chải và rừng quốc gia Hoàng Liên Sơn. Tới đây bạn lại được chinh phục con đèo Ô Quy Hồ dài 50km, chinh phục 2 trong tứ đại đèo huyền thoại Tây Bắc là trải nghiệm trên cả tuyệt vời đấy. Ngoài ra trên cung đường này các bạn có thể ghé qua Thác tình yêu, thác Bạc nằm ngay trên đường từ Ô Quy Hồ tới Sapa.

Đến Sapa ở đâu?

Sapa hiện nay là một trong những điểm du lịch lớn của nước ta, chính vì thế mà việc tìm một nơi lưu trú qua đêm không khó. Có rất nhiều lựa chọn dành cho bạn từ những khách sạn cao cấp đắt tiền cho đến những nhà nghỉ bình dân, thậm chí bạn cũng có thể trải nghiệm loại hình du lịch homestay tại các bản làng ở nơi này. Nếu bạn đã lên kế hoạch đi Sapa nhưng lại vào đúng mùa cao điểm, thì lời khuyên tốt nhất dành cho bạn là nên đăng nhập vào trang web nổi tiếng agoda để chọn một khách sạn thật ưng ý và đặt phòng sớm.

Một số khách sạn mà bạn có thể tham khảo:

Victoria Sapa Resort & Spa

Địa chỉ: Đường Xuân Viên, Sapa

Khách sạn Sapa Rooms Boutique

Địa chỉ: 18 đường Phan Xi Păng, Sapa

Khách sạn Sapa Paradise

Địa chỉ: 14 Thạch Sơn, Sapa

Hmong Sapa

Địa chỉ: 10 đường Thác Bạc, Sapa

Khách sạn Sapa Luxury

Địa chỉ: 36 Phan Xi Păng, Sapa

Khách sạn Châu Long

Địa chỉ: Đường Đồng Lợi, Thị trấn Sapa, Lào Cai

Khách sạn Green Bamboo

Địa chỉ: Đường Cầu Mây, Thị trấn Sapa, Lào Cai

Khách sạn Holiday

Địa chỉ: Đường Cầu Mây, Thị trấn Sapa, Lào Cai

Khách sạn Sapa

Địa chỉ: Đường Ngũ Chỉ Sơn, Thị trấn Sapa, Lào Cai

Khách sạn Golden sea

Địa chỉ: Đường Fansipan, Thị trấn Sapa, Lào Cai

ĐẶC BIỆT: Nếu bạn muốn khám phá Sapa theo một cách độc đáo hơn, gần gũi hơn với người dân nơi đây và không phải tốn tiền khách sạn, nhà trọ cho chuyến phượt Sapa của bạn. Tuy hơi bụi nhưng sẽ là những trải nghiệm tuyệt vời: bạn có thể xin một ít quần áo hay sách vở, đến một bản nào đấy xa trung tâm thị trấn (nơi khách du lịch không hay lui tới) để chơi. Rồi vào nhà trưởng bản xin ngủ nhờ. Đó là những trải nghiệm rất thú vị. Người dân tộc rất hiếu khách. Trong nhà trưởng bản luôn dành một chiếc giường to và sạch sẽ cho khách ngủ nhờ. (Đấy là phong tục của người H’Mông, các dân tộc còn lại tôi chưa biết).

Những điểm tham quan nổi tiếng ở Sapa

Đỉnh Phanxipang – Nóc nhà Đông Dương

Đã là du lịch bụi Sapa thì chắc hẳn việc chinh phục Phanxipang phải được ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch đến với Sapa lần này của bạn.

Với độ cao hơn 3.143km so với mực nước biển và luôn ẩn mình dưới lớp mây phủ bốn mùa, Phanxipang – Nóc nhà của Đông Dương thuộc dãy Hoàng Liên Sơn đồ sộ cách thị trấn Sapa 9 km về phía Tây Nam là một điểm đến đầy hứa hẹn của những người thích khám phá và ưa mạo hiểm. Theo tiếng địa phương, tên của ngọn núi là Hủa Xi Pan có nghĩa là Phiến đá khổng lồ chênh vênh.


Đường đến với đỉnh Phanxipang khá chênh vên và khó đi, bạn có thể tham gia chinh phục ngọn núi này theo tour du lịch của các công ty Lữ hành chuyên nghiệp tại đây, hoặc có thể đi tự túc theo sự dẫn đường của người dân địa phương sống gần nơi này.

Đoạn đường đưa bạn đến được với PhanXipang sẽ là một hành trình trải nghiệm và khám phá đầy thú vị. Các bạn sẽ được khám phá hệ động thực vật và thiên nhiên kỳ thú của dãy Hoàng Liên Sơn. Tại đó có rất nhiều cây Hoàng Liên, một loại dược liệu quý, các loại gỗ quý, chim thú như gà gô, gấu, khỉ, sơn dương, các loài chim…

Núi Hàm Rồng

Núi Hàm Rồng cao gần 2000m là một ngọn núi nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ với ý nghĩa “Hàm của rồng”. Hàm Rồng có thể xem một trong số ít các núi ở Việt Nam có yếu tố tượng hình rõ nét và đẹp.

Núi Hàm Rồng nằm ngay sát ngay thị trấn Sapa, cách 3 km, bạn có thể đi bộ đến đó. Đứng trên đỉnh núi Hàm Rồng, bạn được ngắm toàn cảnh Sapa, thung lũng Mường Hoa, Sa Pả, Tả Phìn ẩn hiện trong sương khói. Hiện nay, với bàn tay tôn tạo của con người, Hàm Rồng thực sự là một thắng cảnh đầy hoa trái của Sa Pa. Lên Hàm Rồng, bạn sẽ được nghe chuyện kể về sự tích nơi này và thích thú hơn nữa khi có cảm giác như lạc vào vườn tiên, mây ùa kín thân người, hoa rực rỡ mặt đất.

Nhà thờ cổ Sapa

Nhà thờ cổ còn có tên là nhà thờ đá hay nhà thờ Đức Mẹ Mân côi nằm ngay giữa trung tâm thị trấn Sapa, được người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ 20.


Từ khi được xây dựng đến nay, nhà thờ Sa Pa luôn là địa điểm diễn ra nhiều hoạt động văn hoá truyền thống của các dân tộc nơi đây. Ngay phía trước Nhà thờ là khu vực Sân quần và hàng thông lưu niên, nơi đây vào mỗi tối thứ 7 hàng tuần thường diễn ra các sinh hoạt văn hoá độc đáo của các dân tộc thiểu số mà du khách quen gọi với cái tên “chợ tình”. Với tiếng sáo, kèn lá, đàn môi dìu dặt, tha thiết và những điệu xoè chao nghiêng của những chàng trai, thiếu nữ người Mông, Dao... Cùng với hoạt động cầu nguyện diễn ra trong những ngày cuối tuần tạo cho không gian của Nhà thờ thêm lung linh, huyền ảo và có sức lôi cuốn lạ thường.

Chợ Sapa

Phiên chợ chính Sapa họp vào chủ nhật hàng tuần. Cũng như chợ ở nhiều nơi khác, chợ ở đây cũng trao đổi mua bán các loại hàng hóa, sản phẩm địa phương. Nhưng nét độc đáo khiến cho chợ Sapa hấp dẫn khách du lịch bụi Sapa bởi nơi này còn là nơi để nam, nữ giao duyên – một hình thức sinh hoạt văn hóa riêng có ở Sapa và một số địa phương vùng núi phía Bắc.

Khi mặt trời khuất sau đỉnh Hoàng Liên Sơn, ánh sáng nhạt nhòa, chợ trở thành nơi tâm điểm cho các chàng trai, cô gái người H’mông, người Dao cùng vui chơi ca hát, nhảy múa. Hòa vào giai điệu của âm thanh núi rừng, họ như gắn kết với nhau hơn và trao tâm ý cùng nhau.

Nét sinh hoạt văn hóa này đã có từ ngàn xưa. Và chợ Sapa chính là nơi hấp dẫn để du khách có thể tìm hiểu nhiều hơn về những tập quán của người dân tộc nơi này.

Thác Bạc – Đỉnh Đèo

Từ thị trấn Sa Pa, đi về phía Tây khoảng 12km trên đường đi Lai Châu, ta sẽ gặp Thác Bạc ào ào chảy xuống từ độ cao trên 200m, bọt tung trắng xóa và hòa mình vào dòng suối dưới thung lũng Ô Quy Hồ, tạo nên âm thanh núi rừng đầy ấn tượng. Tuy nhiên vào mùa xuân du khách nên cân nhắc trước khi tham quan Thác Bạc vì khi ấy thác rất ít nước. Đi thêm 3 km nữa từ Thác Bạc là du khách đến với địa danh Đỉnh Đèo. Nơi đây có tầm nhìn tuyệt đẹp lên Phan Si Păng, dưới sâu là con đường độc đạo đi sang Bình Lư.

Bản Cát Cát

Bản Cát Cát hay thôn Cát Cát là một làng dân tộc H’Mông nằm cách thị trấn Sa Pa 2 km. Đây là điểm tham quan hấp dẫn của du lịch Sa Pa nói riêng và Lào Cai nói chung.
Làng Cát Cát được hình thành từ giữa thế kỷ 19 do một bộ phận dân tộc ít người quần tụ theo phương pháp mật tập (dựa vào sườn núi và quây quần bên nhau, các nóc nhà cách nhau chừng vài chục mét và sinh sống, trồng trọt canh tác ngay trên những sườn đồi quần cư).

Gần nơi quần cư, họ còn trồng lúa, ngô trên các nương bậc thang hoàn toàn theo phương pháp thủ công. Họ biết trồng trọt, chăn nuôi, và bảo lưu khá tốt nhiều nghề thủ công truyền thống như trồng bông, lanh và dệt vải.

Đến với Bản Cát Cát, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng những kiến trúc nhà dựng bằng gỗ pơ mu của người dân tộc H’mông và được tiếp cận với qui trình dệt thổ cẩm của người dân ở đây. Nơi đây xứng đáng được xem là điểm du lịch văn hóa vừa là du lịch sinh thái lý thú dành cho du khách và là điểm du lịch văn hóa cộng đồng của Sa Pa.

Bản Tả Phìn

Là một trong những tuyến du lịch sinh thái cộng đồng hấp dẫn của huyện Sa Pa, Tả Phìn đã trở thành điểm đến của nhiều du khách khi tham quan Lào Cai. Tiết trời cuối đông, con đường vào thôn Sẻ Séng (trung tâm du lịch cộng đồng của Tả Phìn) bảng lảng những tảng mây mù bao phủ, lúc ẩn lúc hiện. Xa xa thấp thoáng tầng tầng, lớp lớp dãy núi xanh trong mây, trong sương và những bản làng của người Mông cheo leo trên sườn núi cao.

Bản Tả Phìn thuộc huyện Sa Pa, cách trung tâm thị trấn Sa Pa khoảng 17km về hướng Đông bắc gồm hai dân tộc Dao và H’mông cư trú. Cách trụ sở UBND xã Tả Phìn gần 1km về phía Bắc có dãy núi đá vôi, một nhánh của dãy Hoàng Liên Sơn. Trong dãy núi này có một quả núi nhỏ, dưới chân núi nứt ra một cửa hang, chiều cao khoảng 5m, rộng khoảng 3m, mở ra một lối đi xuyên xuống đất.

Bản Tả Phìn có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của người Dao Đỏ với nghề thổ cẩm nổi tiếng. Đến bản Tả Phìn, bạn có thể ghé thăm hang động Tả Phìn ngay gần đó. Trong hang có nhiều nhũ đá tạo nên những hình thù kỳ thú như hình tiên múa, đoàn tiên ngồi, cánh đồng xa, rừng cây lấp lánh…

Bản Lao Chải

Lao Chải là một xã của huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai), nằm ngay trong thung lũng rộng và đẹp nhất – nơi có thể nhìn thấy từ thị trấn Sa Pa hay trên đỉnh Hàm Rồng. Cách trung tâm huyện chừng 7 cây số, Lao Chải không xa nên không ít người cuốc bộ từ thị trấn đến tận bản này.

Từ thị trấn men theo đường Mường Hoa qua khỏi những phố phường nhộn nhịp và sầm uất, bạn bắt đầu trải nghiệm một cuộc sống khác, đúng nghĩa của những bản làng. Vẫn theo con dốc Mường Hoa, đi trên con đường quanh co của đồi núi song song với dãy Hoàng Liên để đến Lao Chải. Đó là một bản làng khá đông đúc nằm cách đường lớn một con suối. Từ trên cao, du khách có thể quan sát những nếp nhà bình dị san sát nhau, rất đặc trưng của "phố xá" bản làng

Lao Chải nằm sâu dưới thung lũng. Bao quanh là núi và những thửa ruộng bậc thang. Ruộng ở đây được xếp hạng đẹp nhất Lào Cai và là một trong những danh thắng quốc gia. Từ bản nhìn ra xung quanh là dãy Hoàng Liên án ngữ, bên còn lại là dãy Hàm Rồng, rồi đến các tầng bậc thang trồng lúa nằm ở cấp thấp hơn. Ruộng kéo dài đến tận cửa nhà. Tưởng chừng như đó là những bậc thang nối liền Lao Chải với các ngọn núi để hòa mình vào mây lên tận trời cao.

Tầm tháng 9 trở đi, kéo dài đến tháng 4 năm sau là "mùa" của Lao Chải. Đó là lúc bản đẹp nhất. Thời điểm này, Lao Chải đang mùa thu. Những thửa ruộng bậc thang cao chót vót từ thung lũng sâu vắt lên lưng chừng trời vàng rực màu lúa chín. Mùa thu Lao Chải không chỉ có tiết thời ấm áp mà còn là mùa của lúa vàng, của tiếng gọi mời du khách.

Bản Tản Van

Từ thị trấn Sa Pa, xuôi theo con đường mòn uốn lượn trên lưng chừng núi khoảng 10km, là đến với xã Tả Van. Nhiều du khách vẫn chọn phương tiện xe máy để đi, vì chỉ có đi xe máy, bạn mới có thể tận hưởng hết khung cảnh thiên nhiên cùng vô vàn những điều thú vị.


Theo tiếng của người Mông, Tả Van có nghĩa là “Vòng cung lớn”. Bản đẹp như một bức tranh, lưng tựa vào dãy Hoàng Liên Sơn, trước mặt là suối Mường Hoa trong trẻo uốn dòng. Từ Tả Van có thể đi lại rất thuận tiện sang các điểm du lịch nổi tiếng khác của Lào Cai như : Lao Chải, Cầu Mây, Tả Phìn…

Nhiều năm trở lại đây, Tả Van đã trở thành một trong những điểm đến cho những ai ưa khám phá, trải nghiệm. Trong không gian hùng vĩ của đất trời mây khói, Tả Van ẩn chứa nhiều “mắt nhìn” sâu thẳm - nơi mà người ta lên như để tìm thêm từng “mảnh quá khứ” của những người anh em núi cao vừa quen vừa lạ. Ở Tả Van còn sót lại tục thờ đá của người Việt cổ. Bên kia suối có khu chạm khắc đá cổ với gần 200 tảng đá to nhỏ các cỡ. Trên mỗi tảng đá khắc nhiều hình ảnh và hoa văn độc đáo của người xưa. Ngày ngày trong không gian ấy, người ta sinh sống, hoạt động, đi lên Sa Pa bán hàng thổ cẩm, đi chợ và nói chuyện cấy hái…

Cổng trời

Ra khỏi thị trấn Sapa, đi theo hướng Bắc khoảng 18 km, đường lên cổng trời ngoằn ngoèo uốn lượn giữa lưng chừng núi trùng trùng điệp điệp. Con đường đèo này có tên là Trạm Tôn, len lỏi giữa dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Và cổng trời chính là đỉnh của con đèo này.


Đứng giữa cổng trời Sapa, bạn có thể phóng tầm mắt bao quát cả thung lũng rộng lớn phía dưới với những ruộng nương xanh rì, con đường ôtô xuôi ngược, xa xa là Thác Bạc. Cũng ở cổng trời này bạn mới cảm nhận được vẻ kiêu hùng của đỉnh Phan Si Păng vời vợi lưng trời, bên dưới là những vực sâu thăm thẳm.

Thung lũng Mường Hoa – Bãi đá cổ Sapa

Thung lũng Mường Hoa thuộc xã Hầu Thào, cách thị trấn Sa Pa khoảng 8km về phía Đông Nam. Từ thị trấn Sa Pa, vượt qua một con đèo men theo dãy núi cao bạn sẽ đến thung lũng Mường Hoa. Điều đặc biệt tại thung lũng này là bãi đá cổ có khắc nhiều hình khác nhau, nằm xen giữa cỏ cây và những thửa ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc. Hàng trăm tảng đá sa thạch có khắc những hình vẽ, những ký tự kỳ lạ đến nay vẫn chưa xác định được nguồn gốc và ý nghĩa. Ngày nay, khu chạm khắc cổ này đã được xếp hạng di tích quốc gia, là di sản độc đáo của người Việt cổ. Tại thung lũng Mường Hoa còn có con suối nhỏ xinh đẹp trải dài khoảng 15 km, qua các xã Lao Chải, Tả Van, Hầu Thào và kết thúc ở Bản .

Ngoài những thắng cảnh kể trên, nếu bạn đã làm một chuyến phượt đến Sapa thì cũng nên ghé thăm các địa danh khác như Cốc San, Hang Tiên, Cầu Mâu, thác Tình Yêu, Thung Lũng hoa hồng,…chắc chắn những bức tranh sơn cước hữu tình mộc mạc và rất dân tộc ở nơi này sẽ làm bạn đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên, cứ thích thú mãi không thôi.

Giá vé các điểm du lịch tại Sapa:
  • Núi Hàm Rồng 70.000VND
  • Bản Cát Cát 40.000VND
  • Bản Sín Chải 20.000VND
  • Bản Lao Chải – Tả Van – Bản Hồ 40.000VND
  • Bản Má Tra – Ta Phìn 30.000VND
  • Thác Bạc 10.000VND
  • Thác Tình Yêu 35.000VND
  • Vé leo Fansipan (chưa bao gồm bảo hiểm và phí) 150.000VND

Ăn gì ở Sapa

Sapa quanh năm cho dù vào bất cứ mùa nào thì cái lạnh cũng ngự trị, chính vì thế mà các món ăn ở Sapa lúc nào cũng nóng hôi hổi, nghi ngút khói gọi mời khách ghé vào thưởng thức. Ẩm thực Sapa không cầu kỳ như ẩm thực ở dưới đồng bằng. Các món ăn miền cao nơi này đậm hương vị rất đổi mộc mạc bình dị của tình dân tộc anh em, của bản làng miền núi.

Đi Sapa, nhất định phải trải nghiệm cái thú tuyệt vời khi thưởng thức từng xiên nướng nóng hổi thơm lừng vừa được lấy ra khỏi bếp than hồng đỏ lửa, nghi ngút khói. Bạn cũng phải thử qua cái loại rau cải mèo xanh mướt và mạnh mẽ sức sống chỉ có có ở vùng núi cao này. Cái món lợn cắp nách, nghe tên thôi đã thấy lạ và hay huống chi cái vị dai dai, mềm mềm, thơm phức của từng lát cứ thôi thúc làm cồn cào cái bao tử. Cá suối Sapa, cá hồi, măng chua, hay cái món thịt “thắng cố” độc đáo của nơi này cũng là những món đặc sản mà bạn không nên bỏ lỡ khi đến với vùng đất Sapa.

Dưới đây là một số nhà hàng ngon và giá cả cũng phải chăng mà bạn có thể ghé vào khi dừng chân đến Sapa:

- Nhà hàng Anh Dũng: 69 Xuân Viên, Sa Pa. Điện thoại: 020 3871024

- Nhà hàng Hoa Đào: 33 Xuân Viên, Thị trấn Sapa. Điện thoại : 020 3873055

- Ẩm Thực Sapa: số 535, ngõ khách sạn Victoria phố Xuân Viên, thị trấn Sapa. Điện thoại: 020 3871 535 Fax: 020 3873 466

- Nhà Hàng Hoàng Hà: số 08B phố Thác Bạc, thị trấn Sapa. Điện thoại: 020 3872 535

- Mẫn và Tôi: số 01 phố Fansipan, thị trấn Sapa. Điện thoại: 020 3871 174

- Thắng cố A Quỳnh: số 015 phố Thạch Sơn, thị trấn Sapa. Điện thoại: 020 3871 555

Đi Sapa mua gì về làm quà?

Vùng đất Sapa chủ yếu là nơi sinh sống của những dân tộc anh em ít người. Bạn có thể mang về nhà những kỉ niệm về bản làng và con người hiền hòa nơi đây thông qua những món hàng thổ cẩm mà các cô gái vùng cao nơi này đã tỉ mỉ chau chuốt ngồi làm qua nhiều ngày. Những chiếc váy hoa, túi xách, cho đến vòng tay, túi thơm bằng thổ cẩm sẽ là những món quà khiến người thân và bạn bè của bạn tấm tắc khen mãi không thôi.

Đi Sapa ngoài những món quà làm từ thổ cẩm, bạn cũng có thể mua những trái đào chua thanh, chát, ngọt đựng trong những chiếc rọ ngộ nghĩnh về làm quà. Những gói thuốc nam, thuốc lá, nấm hương, mứt táo mèo Sapa cũng là những món quà mang trọn hương vị núi cao Sapa mà hành trang trở về từ chuyến du lịch bạn nên mang theo.

Một số điều nên lưu ý khi đi du lịch Sapa tự túc

1. Đồ ăn ở chợ không ngon, nhưng nếu cần tiết kiệm thì có thể ăn được.

2. Nấu mì trong khách sạn khá thú vị.

3. Khi vào bản hãy mang theo một gói kẹo để chia cho bọn trẻ và đừng cho tiền.

4. Xe bus từ Lào Cai đến Sapa có thể chở bạn tới tận cửa khách sạn, cứ nói với lái xe. Hoặc cũng có thể nói với chủ khách sạn gọi xe bus cho bạn.

5. Thuê phòng, thuê xe máy, gọi xe bus… và tất cả các dịch vụ khác ở Sapa đều liên kết với nhau. Bạn không cần mất công đi đâu cả, cứ nhờ lễ tân khách sạn gọi giúp, giá chung rồi nên không lo bị chặt chém.

6. Hỏi giá trước khi mua bất cứ thứ gì, đừng ngại!

7. Không mua sâm, nấm, linh chi… ở chợ. Tất cả là hàng Trung Quốc.

8. Tránh đi vào dịp lễ tết, vì khi ấy giá phòng, dịch vụ có thể bị tăng cao.

9. Nên đến Sapa vào mùa lúa chín

Chuyến đi nào cũng có những thứ ngoài dự tính, bạn nên chuẩn bị nhiều tiền hơn và cất nó trong tài khoản. Chỉ mang đủ số tiền như chúng ta tính trong người thôi, số tiền trong tài khoản phòng khi có việc cấp bách.

Với những kinh nghiệm du lịch Sapa tự túc này có thể giúp ích cho chuyến phượt Sapa của bạn. Bạn có thể comment những thắc mắc của mình, mình sẽ giải đáp tất cả các thắt mắc trong khả năng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét