Thứ Năm, 28 tháng 8, 2014

Thưởng thức bánh mì ngon nhất Việt Nam ở Hội An

Từ khóa “best banh mi in Vietnam” sẽ cho bạn kết quả về tiệm bánh mì tên “Bánh mì Phượng” ở Hội An. Vậy điều gì làm nên sự đặc biệt trong chiếc bánh mì ngon nhất Việt Nam đó?

Đầu bếp người Canada Cameron Stauch, người đã từng có thời gian nấu ăn cho tổng thống Canada và hiện đang sinh sống tại Hà Nội sẽ cho chúng ta biết những cảm nhận đặc biệt của bản thân khi nếm thử chiếc bánh mì ngon nhất Việt Nam.

Với niềm hứng thú và háo hức đặc biệt, người đầu bếp Canada đã ăn hết chiếc bánh mỳ của mình một cách nhanh chóng, thậm chí thưởng thức tới cả những giọt sốt cuối cùng dính lại trên các ngón tay và yêu cầu thêm một chiếc bánh mỳ nữa. Đó là những điều tuyệt vời mà Cameron Stauch có được khi tới cửa hàng bánh mì Phượng ở Hội An.

Trước khi du lịch Việt Nam, Cameron Stauch đã từng thử một vài loại bánh mì Việt tại các quầy hàng bánh mỳ ở nước ngoài do người Việt làm chủ sở hữu, nhưng hương vị đó không làm người đầu bếp Canada cảm thấy thỏa mãn. Khi tới Việt Nam, những chiếc bánh mỳ tại Hà Nội cũng như Sài Gòn đều được vị đầu bếp nhận xét là khá ổn, nhưng đều thiếu cá tính và không đủ no bụng.

Chỉ khi tới quán “bánh mì ngon nhất Việt Nam” theo cảm nhận của nhiều bạn bè quốc tế khác, ông mới thực sự cảm thấy thỏa mãn. Sau một vài lần lưu lại phố cổ xinh đẹp Hội An, cuối cùng Cameron Stauch đã tìm ra yếu tố khiến những chiếc bánh mỳ ở đây ngon đặc biệt tới như vậy. Đó là do hầu hết các thành phần nguyên liệu đều được chủ tiệm tự chế biến, chứ không phải dùng các nguyên liệu có sẵn như nhiều nơi khác.

Một số điều độc đáo khác tạo nên chiếc bánh mì ngon nhất Việt Nam được người đầu bếp Canada khám phá ra đó là:

Bánh mì giữ ấm trong bếp ủ than hồng

Những chiếc bánh mì ở quán đều khá mỏng, không bị dày như loại bánh mì Pháp cổ điển. Tất cả bánh mì trước khi chế biến đều được giữ ấm trong một khoang tủ gỗ bởi nhiệt độ của một chiếc bếp than hồng.



Bánh mì luôn được giữ ấm. Ảnh depplus.

Nước sốt tự chế

Nước sốt của quán bánh mì Phượng đều được chủ tiệm chế biến kì công, mang vị béo ngậy đậm đà. Thay vì các loại maiyonaise, nước tương, mắm nêm pha sẵn, chủ tiệm đã tự pha chế một loại “siêu sốt” theo cách gọi của đầu bếp Cameron Stauch. Công thức này là bí quyết được giữ kín của chủ tiệm.

Loại “siêu sốt” mang hương vị đặc biệt. Ảnh depplus.

Thịt và pate hảo hạng

Thịt ăn kèm bánh mỳ bao gồm một lát mỏng thịt lợn thăn nướng, thịt nguội hoặc chả lụa, xúc xích. Ở quán còn có loại pa te gan đặc biệt mềm và ngậy béo, khi ăn như tan ngay trong khoang miệng góp phần tăng thêm hương vị thơm ngon.


Pate được làm rất đặc biệt. Ảnh depplus.

Thịt, chả chất lượng. Ảnh depplus.

Các loại rau ăn kèm

Tất cả rau ăn kèm đều là rau tươi, kết hợp từ nhiều loại rau sống khác nhau mang hương vị độc đáo như rau mùi, rau húng, hành lá,… Một chút cà rốt, dưa chuột muối chua ngọt cũng làm tăng thêm sự mới mẻ và ngon miệng cho chiếc bánh mì tiệm Phượng.

Các loại rau ăn kèm khá đa dạng. Ảnh depplus.

Cách sắp xếp nguyên liệu

Các nhân viên quán đều tuân thủ một cách sắp xếp nguyên liệu thống nhất, khiến thời gian hoàn thành một chiếc bánh mì chỉ mất vài phút ngắn ngủi và hương vị đồng đều cho tất cả.

Đầu tiên, một muỗng sốt maiyonaise tự chế được rưới đều trong bánh, tiếp đến là một muồng pate trải đều bên dưới. Hai muỗng nhỏ sốt tiêu được rưới dọc thành bánh, thịt và rau muối được thêm ở bước tiếp theo.

Bánh mì nơi đây được hết hợp rất nhiều nguyên liệu. Ảnh depplus.

Các loại nguyên liệu chính như thịt, chả lụa được đặt vào bánh; phủ lên trên là chút tương ớt hoặc thêm một chút nước sốt tự chế. Đầu bếp Cameron Stauch chia sẻ, ông tin rằng quy trình phân lớp đặc biệt đó đã tạo nên hương vị hài hòa dễ gây nghiện cho chiếc bánh mì ở đây.

Bánh mì ở Hội An được khách Tây yêu mến đặc biệt. Ảnh depplus.

Cameron Stauch yêu thích chiếc bánh mì ở cửa tiệm nhỏ nơi phố cổ Hội An một cách đặc biệt, ông cũng không quên gợi ý cho bạn bè và các du khách quốc tế khác địa điểm lý thú này.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét