Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2014

Bảo tàng vũ khí cổ lớn nhất Việt Nam ở Vũng Tàu

Với 500 hình nộm khoác lên mình quân phục từ khắp nơi trên thế giới và hàng nghìn vũ khí quý hiếm, đây được đánh giá là bảo tàng đáng xem ở Việt Nam.

Nếu như hải đăng, chợ đêm, bãi Sau là những điểm tham quan quen thuộc ở thành phố Vũng Tàu thì bảo tàng vũ khí cổ còn khá xa lạ với nhiều du khách, kể cả người dân địa phương. Bởi ít ai nghĩ rằng ở một thành phố du lịch biển trong nước lại có thể sở hữu kho báu độc và lạ như vậy.

Theo con dốc quanh co dẫn lên ngọn hải đăng nổi tiếng của thành phố Vũng Tàu, du khách sẽ choáng ngợp trước một ngôi nhà trông giống tòa lâu đài mới. Đó chính là nơi tọa lạc của bảo tàng vũ khí cổ (hay Bảo tàng vũ khí toàn cầu - Worldwide Arms Museum) mở cửa đầu năm 2012 và đạt kỷ lục Bảo tàng vũ khí cổ tư nhân lớn nhất tại Việt Nam.


Nằm trên đồi cao và chỉ cách biển khoảng 50 m, bảo tàng thật sự là một điểm ngắm không tồi với cái nhìn ôm trọn thành phố. Ấn tượng đầu tiên là ở đây có một khoảng sân rộng với tường bao như pháo đài kiên cố cùng tháp canh kiểu cổ điển phương Tây. Bên cạnh những khẩu pháo đặt trên tường bao, khắp sân còn có hơn hàng chục ụ pháo hướng nòng ra biển cả. Chừng đó là đủ tạo cảm giác cho du khách như đang tham quan một công trình kiến trúc cổ ở châu Âu.

Bước vào bên trong, dù là người yêu thích khám phá bảo tàng hay chỉ đơn giản tò mò kho vũ khí cổ thì cũng không thể rời mắt khỏi những hiện vật được trưng bày tại đây. Với diện tích 300 m2, người ta có thể tận mắt nhìn thấy ở bảo tàng quân phục cùng vũ khí chiến đấu của quân đội các nơi trên thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Áo, Nga... qua nhiều thế kỷ.


Để du khách có thể hình dung rõ hơn về về lịch sử quân đội nhiều nước trên thế giới, không gian bảo tàng được chia thành các phòng với chủ đề riêng theo trình tự thời gian. Phòng 1 là khu vực dành cho thời kỳ cổ đại đến trung cổ với các chiến binh Viking, Spartan, chiến binh Trung Quốc qua các thời đại, samurai và shogun của Nhật Bản, quân đội La Mã, quân Hoplite, quân đội thập tự chinh, võ sĩ giác đấu... Đặc biệt còn có một số thanh gươm và súng của người Mường (Việt Nam) ở thế kỷ 19.

Phòng 2 là khu vực dành cho quân đội Anh thời kỳ cận đại với những người đưa thư, người thổi kèn hiệu, lính đánh bộ, kỵ binh, thủy quân, kỵ binh của Nữ hoàng. Cùng tầng nhưng ở phòng 3 là không gian trưng bày những khẩu súng của quân đội Anh, Pháp, Đức, Hà Lan... thế kỷ 17-19 như súng côn, súng lục, súng trường, súng hỏa mai...

Phòng 4 là nơi du khách có thể chiêm ngưỡng quân trang, quân khí của các nước châu Âu thời kỳ cận đại. Thậm chí du khách còn được ngắm một số vũ khí hiện đại của Nga và Anh ngay tại bảo tàng này.


Hành trình vài tiếng đồng hồ tham quan bảo tàng vũ khí tưởng chừng như khô khan, cứng nhắc nhưng lại hết sức thú vị khi đưa du khách hết từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác. Đó là khi bạn được khám phá văn hóa riêng của từng nước thông qua các loại vũ khí với hoa văn tinh xảo chạm khắc trên hiện vật.

Không chỉ ấn tượng với sự phong phú và đa dạng, các loại vũ khí ở bảo tàng còn mang đến những bài học thú vị thông qua những câu chuyện lịch sử được chú thích cụ thể bằng song ngữ Việt Anh. Nếu là người không thích những bài học lịch sử dài hàng trang giấy thì chắc chắn khi đến đây, bạn cũng sẽ tìm thấy niềm đam mê hoặc yêu thích với bộ môn này.

Là điểm sáng trong bức tranh du lịch Vũng Tàu, nhưng bảo tàng tư nhân này hiện xảy ra một số tranh chấp về chủ sở hữu nên phải tạm đóng cửa, để lại nhiều tiếc nuối cho du khách.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét