Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

Tết 3 miền khác nhau như thế nào

Tết Nguyên Đán là dịp cho những buổi sum họp gia đình, những cuộc trò chuyện tràn ngập tiếng cười và những lời chào, lời chúc tốt đẹp. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, những nét đẹp văn hóa trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc vẫn được trân trọng và gìn giữ.

Trong không khí căng tràn nhựa sống, mỗi vùng miền trên Tổ quốc chào đón năm mới theo những cách khác nhau tạo nên sức hút bao lữ khách phương xa:

Miền Bắc đón Tết tinh tế

Xuân về, cả Bắc bộ như ngập trong sắc hồng của những cành đào tươi thắm. Hoa đào góp phần làm xua tan cái giá rét của mùa đông và cũng là tín hiệu của một năm mới sắp đến. Theo quan niệm, hoa đào tượng trưng cho sự may mắn, vì thế, ai ai cũng đều chọn một cành đào thật ưng ý với mong ước mang lại sự an lành, hạnh phúc cho gia đình mình.


Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ – Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh. Thịt đông, gà luộc, giò lụa, cá kho riềng, bánh chưng là những món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của vùng đất kinh kì. Bánh chưng dẻo, béo ngậy nhân đậu xanh, thịt mỡ ăn kèm với dưa hành giòn giòn, chua chua, cay nhẹ thật đúng vị. Khi khách đến thăm nhà, món nem rán thơm lừng thường được dọn ra như là món quà thể hiện sự mến khách.

Miền Trung đón Tết cầu kỳ, chăm chút

Cứ mỗi độ Tết đến, hoa giấy, hoa cúc, hoa vạn thọ đua nhau nở rộ như mang hương xuân quyến rũ đến nhà nhà. Những ngày đầu năm mới, mọi người thường đến thăm và chúc Tết bà con họ hàng, lên chùa hái lộc, nguyện cầu sự bình an, tài lộc cho các thành viên trong gia tộc.

Nếu miền Bắc nổi tiếng với sự tinh tế trong việc kết hợp hài hòa giữa các món ăn thì mâm cỗ miền Trung được chú trọng chăm chút khá cầu kì. Gỏi trái vả, mít trộn, chả phụng, bò nấu thưng, củ cải kho nạc heo, bò nướng sả ớt, bánh tét, dưa món, nem, tré…từ lâu đã trở thành những món ăn đặc trưng và là nỗi nhớ của bao người con xa xứ mỗi độ xuân về.

Miền Nam đón Tết giản dị, nhẹ nhàng

Năm nào cũng vậy, cứ từ đầu tháng Chạp, ở Nam Bộ đã bắt đầu rộn ràng không khí Tết. Một nét độc đáo của Nam Bộ vào mỗi dịp Tết mà du khách gần xa đều rất thích đó là chợ hoa xuân. Hội tụ ở chợ hoa đa phần là hoa mai, tắc kiểng, cúc mâm xôi, sứ Thái Lan, mai chiếu thủy…Khách du xuân vừa thưởng ngoạn vẻ đẹp của hoa, vừa dạo chơi thư giãn sau một năm bộn bề công việc.

Khác với cái lạnh se sắt ở miền Bắc, Nam Bộ đón Tết trong tiết trời ấm áp cùng cành mai vàng kiêu hãnh trong ánh nắng xuân. Người dân Nam bộ xem hoa mai như biểu tượng của sự trường thọ và ngũ phúc (phước, lộc, thọ, khang, ninh).


Mảnh đất Nam Bộ màu mỡ đã ban tặng cho con người nhiều sản vật và làm phong phú thêm mâm cỗ ngày Tết. Từ thịt hầm, gỏi ngó sen, gà luộc xé phay trộn củ hành đến bánh tét ăn kèm dưa giá, tôm khô củ kiệu. Đặc biệt, hầu như khắp nơi ở đất phương Nam, nhà nào cũng có nồi thịt kho tàu ăn với dưa giá và canh khổ qua. Hai món này luôn có trong mâm cơm cúng ông bà ngày 30 Tết. Theo dân gian thì “khổ qua” là món ăn để mong ước sự cơ cực qua đi cho năm mới tốt đẹp hơn.

Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

Cẩm nang du lịch Ninh Chữ giá rẻ, tiết kiệm

Hãy một lần đến với nơi đây, một lần du lịch Ninh Chữ. Bạn sẽ cảm nhận được vẻ đẹp còn nguyên sơ của nơi đây.

Ninh Chữ là một bãi biển thuộc thôn Bình Sơn, thị trấn Khánh Hải, tỉnh Ninh Thuận cách thị xã Phan Rang 5 km về phía đông. Biển Ninh Chữ được coi là một trong những bãi biển đẹp nhất ở miền Trung và là điểm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Biển Ninh Chữ kết hợp với địa danh Bình Sơn đã trở thành cụm khu du lịch Bình Sơn - Ninh Chữ với dịch vụ khép kín, tạo thành một thương hiệu riêng và là địa chỉ du lịch mới lạ, hấp dẫn để bạn khám phá.


Bãi biển Ninh Chữ là một bãi biển sạch, đẹp, mới lạ, lại không phải đi quá xa, đó là là lý do mà những du khách có thể chọn bãi biển Ninh Chữ làm nơi du lịch. Với lợi thế có bờ biển đẹp, hoang sơ, lại tiếp giáp biển Đông nên bãi biển Bình Sơn – Ninh Chữ đã thu hút nhiều nhà đầu tư, nhất là từ thành phố Hồ Chí Minh.

Chia sẻ kinh nghiệm đi du lịch Ninh Chữ

Phương tiện tới bãi biển Ninh Chữ

Từ bến xe Miền Đông bạn có thể đi bằng các loại xe chất lượng cao như: Tuấn Tú, Liên Hưng, Hoàng Anh…

Vì Phan Rang không có sân bay, nên bạn có thể đi máy bay tới sân bay Cam Ranh (Nha Trang), sau đó đi taxi hoặc xe du lịch tới Phan Rang. Từ Cam Ranh tới Phan Rang chỉ khoảng 60 km.

Những điểm đến không thể bỏ qua khi bạn đến với Ninh Chữ

- Bãi biển Ninh Chữ

Bãi biển Ninh Chữ có chiều dài 10 km, bờ biển bằng phẳng hình bán nguyệt. Biển khá yên bình với những triền cát trắng mịn, không khí trong lành.

Biển Ninh Chữ ít sóng, nước trong xanh, tạo nên sức cuốn hút lạ kỳ cho ai đã từng một lần ghé qua nơi đây.

Bãi biển Ninh Chữ còn là bãi tắm đẹp, xung quanh là rừng dương và các núi Ðá Chồng, núi Tân An, núi Cà Ðú... Nếu là một người yêu sự tĩnh lặng, du khách có thể thả mình bên dưới tàn cây dương, đong đưa chiếc võng để đón gió mát từ biển. Hoặc du khách có thể tham gia các hoạt động du lịch như: tắm biển, lướt ván, câu cá,du thuyền, leo núi...

Ở biển Ninh Chữ vào mỗi buổi sáng, bạn có thể ngắm cảnh mặt trời dần dần nhô ra khỏi ngọn núi, nhuộm cả góc trời trong tông màu rực rỡ. Cả vùng biển, núi như lung linh dưới ánh sáng mặt trời, mờ ảo trong những làn sương sớm.

Ngoài ra, khi tới đây du khách còn có thể đi tham quan nhiều thắng cảnh khác: phong cảnh hữu tình của Đầm Nại, những tảng đá lớn nhỏ xếp chồng trong quần thể thiên nhiên núi đá Chồng...


- Vườn Nho

Từ Ninh Chữ, du khách có thể đến khu thôn Tri Thủy nằm tại nơi giao nhau giữ núi và biển. Núi ở đây có dáng dấp như các non bộ, gồm nhiều hòn cao thấp khác nhau màu xám trắng, chen giữa cây lá. Trên sườn núi là vài ngôi chùa cổ, vài xóm nhà ngói.

Ở đây cũng có một bãi biển hoang, cũng xanh mát rừng dương, trên đoạn bãi biển này có những tảng đá hình thù kỳ dị.

Ngoài ra, khu vực này còn có rất nhiều vườn nho. Cảm giác đặt chân vào vườn nho xanh mát, thưởng thức những quả nho mọng ngọt sẽ làm chuyến du lịch của bạn thêm phần hấp dẫn.

Ẩm thực ở Ninh Chữ

Vào buổi chiều, dọc theo bờ biển Ninh Chữ có vô số các quán bánh căn. Đây là món ăn phổ biến của người dân miền Nam Trung Bộ. Nguyên liệu chính để chế biến bánh là bột gạo nướng pha gia vị đổ trên các khuôn làm bằng đất nung.

Khi ăn bạn có thể chấm với mắm chanh ớt, mắm nêm, mắm đậu phộng, đặc biệt là nước cá kho. Chắc hẳn du khách sẽ không thể quên nếu một lần được thưởng thức vị giòn tan của loại bánh đặc biệt này.

Bên cạnh đó, Ninh Chữ nổi tiếng với những quán cơm gà được rất nhiều người ưa thích: cơm gà Khánh Kỳ, Hải Nam. ..

Khách sạn, nhà hàng ở Ninh Chữ

Hiện nay, cụm du lịch Bình Sơn - Ninh Chữ đã được tỉnh Ninh Thuận quy hoạch thành trung tâm du lịch biển với hệ thống khách sạn, nhà hàng cao cấp và các hoạt động thể thao như lặn biển, du thuyền…

Hiện tại khu vực Ninh Chữ có các khu Resort như: Sài gòn Ninh Chữ (4 sao); Resort Dengiòn (mang phong cách Chăm Pa), Khu du lịch Hoàn Cầu (2 sao), Resort Long Thuận (3 sao), Resort Thái Bình…


Tour du lịch Ninh Chữ tương đối tiện lợi, vì thế bạn có thể tổ chức cho mình một chuyến du lịch tiết kiệm khi đến với bãi biển đẹp và mới lạ này.

Đặc sản bánh khúc của làng quan họ Bắc Ninh

Đến làng Diềm du khách không chỉ được lắng nghe những câu quan họ mượt mà của liền anh, liền chị mà còn được thưởng thức chiếc bánh khúc xanh thơm, thắm đượm hồn quê dân dã.

Làng Diềm là tên gọi nôm của thôn Viêm Xá, xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh. Là ngôi làng cổ có đền thờ Đức Vua Bà, thuỷ tổ quan họ, từ lâu nơi đây đã trở thành điểm hẹn của du khách gần xa mỗi khi muốn lắng nghe và tìm hiểu câu ca quan họ. Nhưng không chỉ có vậy, những ai có dịp đến đây, tất thảy đều không thể quên được món bánh khúc bình dị, thảo thơm của vùng quê Kinh Bắc.

 

Chẳng thể nhớ bánh khúc làng Diềm có từ khi nào, chỉ biết vào những ngày lễ tết, hội hè, rằm hay mùng một, bánh mới được làm để mời họ hàng, quan khách. Tên bánh xuất phát từ chính loại cây làm nên nó – rau khúc. Có điều lạ là người làng Diềm không trồng mà thu hái rau khúc tự mọc ven các bãi đất trống, đất bồi ven sông, ven ruộng, bởi muốn trồng thì rau cũng tự lụi, không thu hoạch được.

Rau khúc có hình dáng bên ngoài như cỏ dại với màu lá xanh bàng bạc, phủ lớp phấn trắng bên trên. Để làm nên những chiếc bánh có hương khúc đặc trưng, cây được chọn phải nhỏ bản, dày bụ và đã ra hoa. Có nơi người ta phơi khô lá khúc, nghiền bột để dùng khi hết mùa rau, tuy nhiên, thơm hơn cả là rau khúc tươi.

Hiện là đầu mùa rau khúc nên vào thời gian này bạn đến với làng Diềm sẽ được người dân ở đây thiết đãi những chiếc bánh khúc thơm hương nóng hổi. Quy trình làm một chiếc bánh khúc không mất quá nhiều thời gian nên mỗi khi khách đến nhà, người làng Diềm mới bắt tay vào làm bánh.


Rau khúc sau khi hái về được rửa sạch, băm nhỏ rồi luộc sôi, bỏ nước, chỉ lấy phần rau chín. Sau đó đem giã nhuyễn với bột gạo tẻ Kháng Dân để làm vỏ bánh. Sở dĩ người làng Diềm sử dụng loại gạo này vì nó đủ độ kết dính và không quá dẻo. Từ hai màu trắng – xanh của bột và rau khúc, theo nhịp giã nhịp nhàng nắm bột mịn chuyển màu xanh nhạt đều mịn.

Nhân bánh khúc làng Diềm có nhiều nét giống với bánh chưng như đỗ xanh đồ chín giã nhỏ, hạt tiêu thơm phức và thịt ba chỉ thái nhỏ, chỉ khác cho thêm chút tóp mỡ băm nhỏ trộn đỗ xanh để tăng vị béo ngậy khi ăn. Công đoạn gây hứng thú nhất với du khách có lẽ là tham gia nặn bánh. Bạn sẽ được các cô các chị ở đây hướng dẫn véo nắm bột nhỏ, dàn đều và mỏng rồi gắp nhân bỏ vào giữa, nặn tròn hoặc hình tai voi tùy thích. Dù nặn thế nào thì quan trọng nhất vẫn là vỏ phải mỏng đều và không bị lộ nhân.

Bánh nặn xong được xếp ra mâm, chờ nước sôi rồi bỏ vào nồi hấp như đồ xôi, nếu thích lúc này có thể rắc lớp gạo nếp đã ngâm kỹ thành lớp áo bánh bên ngoài. Tuy nhiên, bánh khúc làng Diềm mời khách đến chơi thường hấp không để thấy được lớp áo màu xanh thẫm đặc trưng rau khúc.
Sau khi hấp. bánh có màu xanh thẫm, bóng, thơm mùi rau khúc đặc trưng.
Thưởng thức bánh khi còn nóng hổi là thơm ngon nhất. Lúc này lớp vỏ bánh bóng mọng bốc hơi nghi ngút, khách vừa thổi vừa ăn để cảm nhận hương thơm, bùi của lá khúc cùng vị ngậy béo của nhân đỗ thịt. Chiếc bánh khúc dường như là sự kết hợp hoàn hảo các sản vật đặc trưng của làng Diềm, mang đến hương vị độc đáo, hấp dẫn không dễ gì trộn lẫn.

Với nhiều loại bánh khác, người ăn có thể dùng một hai cái đã cảm thấy ngán nhưng với bánh khúc làng Diềm, ăn đến 4-5 chiếc mà vẫn thòm thèm, luyến tiếc. Bởi thế, không ít người ăn xong phải mua thêm để làm quà và ăn dần khi nhớ. Bánh hấp xong để nguội có thể cất trong tủ lạnh trong vòng một tháng, khi ăn đem hấp lại hương thơm như vẫn nguyên vẹn.

Chợ phiên Ma Lé sáng thứ bảy

Cách Đồng Văn (Hà Giang) chừng 10 km, chợ Ma Lé cuốn hút tôi vì sự giản dị của phiên chợ vùng cao chưa bị khách du lịch xâm lấn.

Chiều thứ sáu, những nồi thắng cố dành cho phiên chợ hàng tuần đã được bắc lên giàn bếp sôi lục bục. Trong khí lạnh của vùng núi cao mà được nhâm nhi thắng cố với bát rượu ngô thì còn gì thú bằng. Các thanh niên trong bản đêm nay đã tụ tập từ sớm, khề khà bên bát rượu, vui với câu chuyện làm quà. Nhóm chúng tôi trên đường trở về từ Lũng Cú ghé tạm ăn lót dạ dọc đường.

Trời đã tối sầm sập sau lưng, chỉ còn hằn một vệt đỏ ói thẫm màu và không khí lạnh đã len lỏi. Anh chàng dân tộc Mông thân thiện mời cả nhóm nếm thử món thắng cố vừa làm xong, hơi nồng mùi ngựa. Ánh lửa bập bùng trên giàn bếp ấm áp, chúng tôi choàng thêm áo trước khi lên đường và hẹn gặp lại anh vào phiên chợ sáng hôm sau.


Chợ phiên Ma Lé tuần nào cũng họp vào sáng thứ bảy, từ lúc mặt trời chưa tỉnh giấc cho đến khi cao đến ngọn sào. Cư dân từ các bản làng từ núi cao nô nức xuống chợ. Họ đi bộ từ sớm, xúng xính váy áo, tranh thủ ngày chợ mua thứ nọ thứ kia mang về. Lũ trẻ được đến chợ thỏa thích nô đùa. Có đứa túm tụm lại với đám bạn, đứa trông hàng cùng mẹ, đứa còn ẵm ngửa cũng được địu đến chợ. Tiếng hò hét nô đùa náo động cả khu chợ.

Chợ Ma Lé họp trên một khu đất rộng nhìn xuống những ruộng ngô, xung quanh đủ những rặng đá tai mèo lỉa chỉa. Không được biết nhiều như chợ Đồng Văn cách đó không xa, Ma Lé vẫn giữ được những nét giản dị vốn có của một khu chợ quê. Những người đến đất Hà Giang không có thời gian ở lại chơi với chợ Đồng Văn mỗi sáng chủ nhật thường ghé lại Ma Lé. Các chàng trai uống rượu ngô quanh những chiếc bàn thấp chân, múc rượu và uống bằng bát. Các cô gái tíu tít bên bạn bè khoe chiếc áo hay cái khăn mới. Lũ trẻ nở nụ cười bẽn lẽn trước ống kính chụp hình.

Những món đồ giản dị trong sạp hàng.
Người dân tộc Dáy, Lô Lô, Chải hay Pu Péo mang đủ những sắc màu rực rỡ nhất xuống chợ. Dù là dân tộc nào, trên tay họ vẫn có chung một chiếc suốt làm sợi đay.

Những sạp hàng bán đủ thứ thiết yếu, từ gói gia vị cho đến gói mì tôm, đồ ăn vặt cho đám trẻ. Món ăn sáng có thắng cố, mì tôm với sốt vang và sắn đựng trong những chiếc gùi. Những quả óc chó hay gừng tươi được bán nhiều. Tại góc chợ, một cụ già đang khâu giày trên chiếc đe, ở góc khác một sạp hàng may với chị thợ đang luôn tay cắt váy cho khách. Nhưng hấp dẫn nhất với đám khách hiếu kỳ chính là những sạp bán khăn thổ cẩm và váy. Với giá 15.000 đồng cho một chiếc khăn sặc sỡ, chúng tôi ai cũng mua vài chiếc về làm quà.

Chợ đến gần trưa bắt đầu vãn. Những chiếc gùi đã đựng đầy mặt hàng thiết yếu, con ngựa thồ đủng đỉnh ra về, theo sau thế nào cũng là một ông chồng đã say sưa khật khưỡng và bà vợ lặng lẽ địu con.

Cùng mẹ xuống chợ.
Phiên chợ Ma Lé đơn giản và bình dị như chính cuộc sống của những bà con dân tộc vùng cao nơi địa đầu tổ quốc này. Trong vài năm trở lại, khi cực bắc Lũng Cú trở thành điểm đến được yêu thích của giới trẻ, chợ phiên Ma Lé được nhiều người biết đến hơn và trở thành điểm dừng chân thú vị trên hành trình khám phá.

5 đầm phá nổi tiếng của Việt Nam

Đầm Ô Loan, đầm Vân Long hay phá Tam Giang là những cái tên đã không còn xa lạ với các tín đồ du lịch. Chính vẻ đẹp quyến rũ trong sự hòa quyện của sông nước với mây trời đã thu hút du khách đến với các đầm phá nổi tiếng này.

Đầm Long, Ba Vì, Hà Nội

Đầm Long đang dần quen thuộc với du khách Hà Nội vào mỗi dịp cuối tuần. Cách trung tâm thủ đô 70km về phía tây, nơi đây tương truyền rằng vào những ngày hè thường có một đôi rồng từ trên trời bay xuống tắm rồi lấy nước phun mưa. Đầm Long được cải tạo trở thành khu du lịch sinh thái vui chơi giải trí hấp dẫn. Đến đây bạn thật sự như được trở về với người Mẹ thiên nhiên, bỏ lại sau lưng mọi ồn ào phố xá, chỉ biết vô tư thoải mái trong khoảng không tĩnh lặng, trong lành và thoáng đãng của rừng già.


Đến Đầm Long vào mùa hè, bạn không chỉ được chiêm ngưỡng muôn loài thú quý như hươu, khỉ, cầy, sóc, nhím... mà còn say đắm với hương sen ngạt ngào lan tỏa. Bạn có thể đi bộ hoặc thuê xe đạp, xe điện chạy một vòng khám phá xung quanh. Trên hành trình trở về với thiên nhiên, bạn đừng quên mang theo máy ảnh để ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ.

Đầm Vân Long, Ninh Bình


Đầm Vân Long nằm cách Hà Nội chừng 80km thuộc huyện Gia Viễn, Ninh Bình. Cũng như Đầm Long (Ba Vì), đầm Vân Long là điểm đến khá thú vị ở miền Bắc phù hợp với chuyến đi nghỉ cuối tuần. Nằm giữa thung lũng bốn bề là những dãy núi đá vôi tạo hình ngoạn mục và tiềm ẩn nhiều hang động chưa được khám phá, đầm Vân Long đang trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Đầm Vân Long đồng thời cũng là khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước lớn nhất vùng đồng bằng Bắc bộ với hàng nghìn động, thực vật, thuỷ sinh lưu trú, trong đó có nhiều loài quý hiếm như voọc quần đùi trắng, gấu ngựa, sơn dương, cu ly lớn, cầy vằn, báo gấm, khỉ mặt đỏ, báo hoa mai. Đến đây bạn sẽ có cơ hội ngồi thuyền thưởng ngoạn khung cảnh non nước hữu tình, thanh bình mà tĩnh lặng hoang sơ. Ngoài ra, Vân Long còn là nơi có nhiều cảnh quan và di tích văn hóa, chắc chắn sẽ mang đến cho bạn những cảm xúc mới vẻ và thú vị.

Đầm Ô Loan, Phú Yên

Phú Yên vốn nổi tiếng với danh thắng độc đáo Gành Đá Đĩa. Nhưng ít ai biết rằng, cách đó không xa tồn tại một vẻ đẹp hữu tình của mây trời sông nước – đầm Ô Loan. Đây là đầm nước lợ mang vẻ đẹp kỳ ảo thuộc thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An. Vào lúc bình mình, đầm Ô Loan trông như một chú chim khổng lồ đang trong tư thế sẵn sàng tung cánh bay vút lên bầu trời. Cũng góc nhìn ấy, nhưng trong ánh sáng nhập nhoạng của hoàng hôn, đầm tựa như một con chim đang xoải cánh tìm chốn bình yên bên mặt hồ gợn sóng.
Đầm Ô Loan như một chú chim đang xoải cánh tìm chốn bình yên.
Vì là đầm nước lợ nên Ô Loan có rất nhiều hải sản như hàu, sò huyết, tôm, mực, sứa, rau câu, điệp, cua… Đến Ô Loan thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp và thưởng thức những món hải sản đậm đà hương vị miền Trung, du khách mới có thể cảm nhận hết được vẻ đẹp của vùng đất Phú Yên thơ mộng.

Đầm Nha Phu, Khánh Hòa

Nằm giữa vịnh Nha Trang và Vân Phong, cách trung tâm thành phố Nha Trang 15 km về phía Bắc, đầm Nha Phu nổi lên như một điểm đến hấp dẫn hội tụ nhiều nét đẹp của thiên nhiên với núi, rừng, suối, thác và biển cả. Đến với Nha Phu bạn sẽ có cơ hội hòa mình trọn vẹn với sự biến đổi của thiên nhiên kỳ thú của ba hòn đảo: Hòn Thị, Hòn Hèo và Hòn Lao. Tất cả như những ốc đảo nằm yên bình, thơ mộng giữa lòng đại dương mênh mông.


Sẽ còn gì tuyệt vời hơn mỗi sáng được nô đùa cùng làn nước biển trong vắt như pha lê, chiều thăm thú núi rừng, đợi đến khi hoàng hôn buông xuống cùng bạn bè cắm trại ven suối, nâng ly nhảy múa, ca hát trong ánh lửa bập bùng... Nha Phu còn quá nhiều hấp dẫn và vẫn đợi khách một ngày quay trở lại.

Phá Tam Giang, Thừa Thiên - Huế

Phá Tam Giang đẹp nhất khi khoác lên mình ánh chiều tà.
Trái ngược với vẻ đẹp u tịch, trầm buồn của xứ Huế mộng mơ, phá Tam Giang cách thành phố 15 km lại mang trong mình một vẻ đẹp hoang sơ, vắng lặng, gió nồng nàn và nắng cũng chứa chan. Bất cứ ai đến đây đều phải trầm trồ thán phục bởi khó có thể tìm thấy nơi nào trên đất nước hình chữ S đón bình minh và hoàng hôn tuyệt đẹp như Phá Tam Giang. Những cung bậc màu sắc của thiên nhiên, của ánh mặt trời rực rỡ đã vẽ nên một Tam Giang muôn vẻ, muôn màu, khiến ta chỉ muốn ngắm mãi không thôi.

Là đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á, phá Tam Giang thực sự là một ngã ba sông nơi mà ba sông lớn gồm sông Hương, sông Bồ và Ô Lâu 'hẹn hò' nhau trước khi đổ ra cửa biển. Bởi vậy, nơi đây tập trung nhiều đàn cò, vạc, sâm cầm, ngỗng trời, vịt trời... bơi trắng mặt nước, tạo nên khung cảnh hết sức nên thơ mà sống động. Du khách có thể xuôi dòng nước trên con thuyền nhỏ, thả hồn mình vào giữa khung cảnh thiên nhiên để cảm nhận một vùng trời nước đã từng đi vào thơ, ca, nhạc, hoạ.

Bắc Giang: Hương quê giòn tan trong miếng bánh đa Dĩnh Kế

Khi thưởng thức, những chiếc bánh đa có vị bùi, ngọt, giòn và thơm lừng. Từng miếng bánh đa giòn tan trong miệng khiến ta có cảm giác như hương vị quê hương đang dạt dào theo tiết tấu âm thanh quen thuộc mà đáng quý biết nhường nào.


Đã từ lâu, một ngôi làng ở miền quê nông thôn đã trở lên quen thuộc với nhiều người. Đó có thể là người đi công tác qua, đi du lịch hay cố tình tới để mua thứ đặc sản ngon giòn tuyệt vời có cái tên gắn với địa phương sinh thành ra nó, bánh đa Kế.


Làng Kế là ngôi làng cổ thuộc xã Dĩnh Kế của thành phố Bắc Giang ngày nay. Xã có 11 thôn, trong đó có 6 thôn làm bánh đa. Người dân trong vùng thường gọi là bánh Kế, bởi bánh đa của làng Kế làm ra có hương vị đặc trưng không giống với bánh đa ở bất cứ nơi đâu người dân làng Kế làm bánh đa quanh năm, đặc biệt nhộn nhịp vào những lúc nông nhàn.

Dĩnh Kế có 12 thôn: thôn Chợ, Sau, Tiêu... với hàng trăm mái nhà nằm san sát và biết bao người thợ đang nhanh tay say bột, tráng, quạt bánh tạo những chiếc bánh đa cho mọi người thưởng thức. Những ngày nắng, ai đi qua Dĩnh Kế cũng thấy một màu trắng của những chiếc bánh đa to, tròn trên những chiếc giàn phơi, dọc theo quốc lộ 1A, trong đường làng, ngõ xóm, sân nhà

Hình ảnh những phiên chợ quê vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ gắn liền với chiếc bánh đặc sản này. Người ta nhớ về một thời xa xăm với hình ảnh người đàn bà Kinh Bắc với chiếc áo nâu, cái mẹt đội đầu đi chợ mua cái bánh đa kề về làm quà cho các cháu, lựa vài tấm nhiều lạc, nhiều vừng cho ông chồng ở nhà. Những kí ức đó, có lẽ chỉ được tái hiện trong những thước phim đen trắng. Nhưng với việc thưởng thức món quà quên này, bất cứ ai cũng được trải nghiệm một phần văn hóa trong đó.

Hương quê giòn tan vị bánh đa Dĩnh Kế.
Bánh đa Dĩnh Kế nổi tiếng đất Bắc.
Bánh đa Kế được làm quanh năm. Dưới bàn tay của người nghệ nhân Dĩnh Kế, món bánh đa tưởng chừng khô khốc ấy lại trở nên giòn tan, ngon tuyệt lạ thường. Hai mặt bánh đa phủ đầy hạt vừng. Từng hạt vừng thơm mát hòa quyện với bột gạo bùi bùi, với vị béo của lạc quê, tất cả làm nên một thứ đồ ăn nức tiếng là ngon.

Theo những người dân trong làng, khâu quan trọng là tráng bánh, đòi hỏi kĩ thuật đặc biệt khéo léo của người thợ mà không phải ai cũng làm được, tráng nhẹ tay, bánh phẳng, đều phụ gia, đường kính khoảng 40cm.

Bánh tráng xong được đem phơi hai lần cho khô kiệt. Và khâu cuối cùng là quạt để tạo hình dáng cho bánh. Người thợ Dĩnh Kế quạt bánh thủ công bằng than hoa nên chiếc bánh nở đều, đầy đặn, không bị méo mó, cháy sém như những loại bánh đa khác. Bánh đa Kế nhìn thật giải dị với hình yên ngựa nhưng ăn lại rất giòn, ngon có vị thơm, béo, bùi của vừng lạc, khoai lang, xốp nở phồng to của những chiếc bóng trên bề mặt.

Người Dĩnh Kế bảo, thưởng thức bánh đa Kế cũng là thưởng thức một loại hình ẩm thực truyền thống. Bởi, đây là một nghề “cha truyền con nối” từ xa xưa các cụ để lại cho người Dĩnh Kế nay.

Hương vị của miếng bánh đa Kế là hương vị của quê hương xứ sở, là công sức cha ông đã hun đúc và sẽ còn mãi với thời gian.

Khám phá quần đảo Bà Lụa hoang sơ

Quần đảo Bà Lụa thuộc tỉnh Kiên Giang được ví là “tiểu Hạ Long” của Phương Nam.

Quần thể đảo này gồm khoảng 45 đảo lớn, nhỏ ngoài khơi thuộc huyện Kiên Lương, ở vị trí cách mũi Hòn Chông - Bình An, khoảng 7km về phía Tây và cách Ngã Ba Hòn 15 km về hướng Đông.


Trong số trên 40 đảo của quần đảo Bà Lụa chỉ có 10 đảo có cư dân sinh sống. Những hòn đảo do dân bản địa đặt tên tuỳ theo hình dạng, cùng với những truyền thuyết, giai thoại như: Hòn Heo, Hòn Dê, Hòn Ngang, Hòn Đước...

Biển xung quanh quần đảo Bà Lụa là biển nông, nhiều nơi nước ròng có thể đi được từ đảo này sang đảo khác, nước ngập không quá lưng người lớn. Bãi biển Bà Lụa với toàn sỏi lớn nhỏ với hình dáng là và màu sắc khác nhau. Thuỷ, hải sản ở đây rất phong phú đặc trưng như: cá mú, cá bóp, cá hường... Trên các đảo của quần đảo Bà Lụa có rất nhiều cây thuốc Nam quý hiếm. Ở Hòn Nhum còn có khá nhiều kỳ đà, trăn, rắn, cùng với một số loài chim sống ở rừng và biển, tạo nên sự đa dạng về sinh học. “Lấu lấu” là loài chim lạ, giống như chim hoạ mi, hót vang cả núi rừng khi bình minh ló dạng trên biển...


Nếu bạn muốn tự thiết kế một hai ngày khám phá đảo như Robinson trên những hòn đảo hoang sơ này, hãy xem gợi ý của chúng tôi dưới đây.

Đi lại

Muốn ra chơi quần đảo Bà Lụa, bạn phải tới bến tàu khu du lịch Chùa Hang - Hòn Phụ Tử thuộc xã Bình An (Kiên Lương). Từ đây, bạn có thể thuê tàu ra khám phá vùng biển, đảo còn rất hoang sơ này. Mỗi đảo thường có vài mươi hộ dân sinh sống, cá biệt có đảo chỉ có một gia đình.

Ăn ở

Bạn có thể mang theo lều, võng và cắm trại trên đảo vì đảo có rất nhiều bãi biển tuyệt đẹp, địa hình hạ trại rộng rãi, thoáng mát... hoặc xin ngủ nhờ nhà người dân. Nếu tự cắm trại, ngoài chuẩn bị võng, lều bạt, túi ngủ bạn nên mang theo đèn pin, hộp quẹt, dao xếp, nước suối, thuốc dự phòng cá nhân và ít mì tôm…

Thường thì chủ tàu có sẽ có xoong, nồi, gạo, thức ăn đem theo và bạn có thể mượn. Khi đến nơi, bạn có thể mua cá của chủ bè rồi cùng chủ nướng tại chỗ lai rai nghe kể chuyện về biển rất hấp dẫn. Thực đơn tươi sống thường có như gỏi cá cơm, canh chua cá bớp, mực trứng nướng, ốc vú nàng tái chanh, cháo hàu...


Trên đảo, bạn có thể “cải thiện” bằng cách như đi cạy hàu, mò bắt ốc cờ, ốc vá ở những gành đá. Hoặc bạn cũng có thể tìm mua cá, tôm cua, ốc của người dân trên đảo luôn sẵn có. Dừa có trồng khá nhiều trên triền các đảo, nước ngọt lịm, thanh thao, mát lành.

Thăm quan xung quanh đảo

Để đi thăm quan các biển đảo ở Bà Lụa, khám phá các hòn đảo hoang sơ, trải nghiệm cuộc sống của ngư dân các bạn có thể liên hệ với ngư dân địa phương để thuê tàu tham quan.

Do quần đảo Bà Lụa có rất nhiều đảo, rất khó có thể đi hết tất các đảo vì vậy bạn chỉ nên lựa chọn một vài hòn đảo đẹp. Ba Hòn Đầm (gồm Hòn Đàm Dương, hòn Đước, hòn Giếng) là nơi được nhiều người ghé khám phá. Tại đây có bãi tắm đẹp, có rất nhiều loại hải sản tươi ngon như: cá, ghẹ, mực, cua, nhum, ốc...

Bình minh và hoàng hôn và trên quần đảo Bà Lụa là những thời khắc đẹp nhất của thiên nhiên. Bạn sẽ thấy mặt trời mọc và lặn xuống biển với ráng hồng tuyệt đẹp. Hàng trăm tàu đánh cá neo đậu ở các vịnh đảo núp gió, nghỉ ngơi khi chiều về, cũng có những chiếc đang lênh đênh giữa mênh mông biển trời.


Nếu bạn may mắn, trên hành trình vượt biển, bạn có thể nhìn thấy bầy cá heo còn gọi là “ông Nược” bơi đua, đùa giỡn và nhào lộn theo tầu. Người dân kể, cá heo và các cúi (Dugong) vẫn còn và thường xuất hiện ở vùng biển Bà Lụa - Hòn Nghệ - Phú Quốc. Chúng có vẻ thân thiện với con người.

Nhìn cuộc sống nơi đây, chắc bạn sẽ không khỏi ao ước có một ngày mình trở thành “chúa đảo”. Sống một cuộc đời giản dị, không hẳn tách biệt với thế giới bên ngoài, nhưng rất riêng tư và bình yên, thanh thản giữa thiên nhiên trong lành. Và bạn sẽ cảm thấy lưu luyến không muốn rời đảo khi thuyến đến đón vào ngày hôm sau.

Những "Hỏa Diệm Sơn" kinh khủng nhất Trái đất

Hãy tạm ngừng than vãn về sự nóng nực của mùa hè và tham gia tour vòng quanh 10 địa danh nóng nhất Trái đất, để hiểu hơn về những nơi có nhiệt độ khiến chúng ta "choáng váng", thậm chí toát mồ hôi hột.

1. Sa mạc Lut (Iran): 70,6 độ C


Nằm trong khu vực khí hậu cực kỳ khắc nghiệt và hẻo lánh, bao bọc 4 phía bởi các dãy núi và các "kim tự tháp cát" cao nhất thế giới, sa mạc Lut được ghi nhận là vùng đất nóng nhất trên Trái đất với nhiệt độ lên tới 70,7 độ C.

Nơi đây nóng tới mức sữa tươi không thể "hỏng" bởi vi khuẩn không thể tồn tại và phát triển ở nhiệt độ đó. Vì thế, sa mạc Lut được thừa nhận là vùng đất chết.

2. Vùng đất chết thuộc Queensland (Australia): 68,9 độ C


Một vùng đất chết thuộc bang Queensland, phía Đông Bắc Australia có nhiệt độ lên tới đỉnh điểm là 69,4 độ C. Nhiệt độ khắc nghiệt khiến nơi đây và những khu vực lân cận gần như không có sự sống.

3. Turpan (Trung Quốc): 66,7 độ C


Ốc đảo Turpan là điểm thấp thứ hai trên bề mặt Trái đất (chỉ sau Biển Chết) và cũng là nơi nóng, khô nhất Trung Quốc. Turpan nằm giữa sa mạc Taklamakan, thuộc địa phận Tân Cương, địa đầu phía Tây Trung Quốc.

Mùa hè ở đây dài lê thê, nhiệt độ trung bình luôn vào khoảng 39 độ C, khi nóng nhất, nhiệt độ lên tới 66,7 độ C. Dù khí hậu khắc nghiệt, hàng ngàn người dân Trung Quốc vẫn sinh sống và trồng trọt tại ốc đảo này. Một điểm độc đáo là nhiều người dân ở đây có thói quen vùi chân, tay xuống cát bởi họ xem đó là phương pháp trị bệnh hiệu quả.

4. El Azizia (Libya): 57,8 độ C

Nhiệt độ cao kỷ lục được trên trạm khí tượng tại El Azizia ghi nhận vào ngày 13/12/1922 lên tới 57,8 độ C.


Nguyên nhân khiến sa mạc El Azizia đạt mức nhiệt cao kỷ lục là do những cơn gió thổi từ phương Nam đã mang theo dòng không khí khô nóng, vượt qua sa mạc Sahara, kết hợp với mức nhiệt sẵn có trên bề mặt El Azizia làm nhiệt độ tại đây cao bất thường. Mặc dù nhiệt độ trung bình lên tới 48 độ, vẫn có hơn 300.000 cư dân sinh sống ở thành phố này.

5. Thung lũng Chết (Hoa Kỳ): 56,7 độ C


Thung lũng Chết là một thung lũng dài và hẹp nằm giữa hai bang California và Nevada của Mỹ. Điều kiện tự nhiên ở đây rất khắc nghiệt, nhiệt độ mùa hè thường trên 49 độ C, nhiệt độ đạt mức kỉ lục là 56,7 độ C.

Đây được xem là điểm nóng nhất nước Mỹ nên ở đây gần như không có cư dân sinh sống, ngoại trừ khách du lịch và nhân viên của vườn quốc gia.

6. Ghadames (Libya): 55 độ C


Được ví là "hòn ngọc" của sa mạc Sahara, Ghadames đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Nhiệt độ trung bình là 41 độ C, nhiệt độ đỉnh điểm đo được ở đây là 55 độ C. Nhiều đường phố của Ghadames được thiết kế có mái che để đảm bảo sinh hoạt cho khoảng 7.000 người Berber sống ở đây.

7. Kebili (Tunisia): 55 độ C


Rất gần với thành phố cổ Ghadames là ốc đảo sa mạc Kebili, miền Trung Tunisia. Mặc dù mùa hè ở đây nóng bỏng rát (nhiệt độ cao nhất đo được là 55 độ C), mùa đông lại lạnh lẽo, nhưng Kebili là một trong những thành phố đầu tiên có người sinh sống ở Tunisia và hiện là nơi trú ngụ của khoảng 18.000 người.

8. Timbuktu (Mali): 54,5 độ C


Thành phố cổ Timbuktu nằm ở miền Nam sa mạc Sahara thuộc Mali là một di sản văn hóa thế giới khác được UNESCO công nhận. Timbuktu hiện có dân số lên tới 32.000 người. Tháng Năm là tháng nóng nhất trong năm tại đây với nhiệt độ trung bình là 42,8 độ C, lúc đỉnh điểm là 54,5 độ C.

9. Tirat Tsvi (Israel): 54 độ C


Khu đất định cư của Tirat Tsvi nằm sâu 220m dưới mực nước biển, cách biên giới miền Tây Jordan vài km. Năm 1942, nhiệt độ cao nhất ở khu vực này là 54 độ C và là nơi nóng nhất châu Á thời điểm đó.

Tuy dân số dưới 1.000 người nhưng Tirat Tsvi lại là nơi sản xuất chà là lớn nhất cả nước với hơn 18.000 gốc cây vươn lên, chống chọi với nắng nóng khắc nghiệt.

10. Wadi Halfa (Sudan): 52,8 độ C


Wadi Halfa là một thị trấn thung lũng bên rìa sa mạc Nubian với 15.000 cư dân sinh sống tại điểm cực Bắc của Sudan. Trong những tháng hè, nhiệt độ trung bình vào khoảng 42,2 độ C, cao nhất là 52,8 độ, không khí vô cùng nóng bức, ngột ngạt.

Dù khí hậu không thuận lợi, Wadi Halfa vẫn là một trung tâm thương mại quan trọng, là cầu nối của tuyến đường thủy và đường sắt giữa Ai Cập và Sudan.

Thứ Tư, 4 tháng 12, 2013

Kinh nghiệm du lịch Phú Quốc dịp Tết giá rẻ, an toàn

Ở vùng biển phía Nam của tổ quốc, đảo ngọc Phú Quốc là một trong những địa điểm tham quan, nghỉ dưỡng tuyệt vời nhất. Đi du lịch Phú Quốc, bạn có thể đắm mình trong làn nước xanh ngắt, hít thở gió biển trong lành, tĩnh tại tâm hồn tại dòng suối Tranh, thưởng thức hải sản tươi ngon… Với những thông tin hữu ích từ cẩm nang này, chúng tôi tin rằng bạn sẽ có một chuyến du lịch Phú Quốc thật nhiều niềm vui.

Những điều cần biết khi đi du lịch tại Phú Quốc

Phú Quốc có 3 hướng tham quan chính: Bắc Đảo, Nam Đảo và Đông Đảo. Thông thường khi đến đây, du khách thường dành 3 ngày để lần lượt khám phá các hướng tham quan này.


Những địa danh ở Bắc Đảo gồm vườn quốc gia Phú Quốc, nơi sở hữu những bãi biển tuyệt đẹp cùng các thắng cảnh hoang sơ như khu bảo tồn thiên nhiên Bắc đảo, khu vực núi Hàm Rồng, Gành Dầu và Cửa Cạn; biển bãi Dài, bãi biển đẹp nhất Phú Quốc với vẻ đẹp của biển xanh, cát trắng, hàng dương xanh cao vút; suối Đá Ngọn, suối Đá Bàn kỳ thú với những dòng nước nhỏ len mình qua các tản đá tạo thành những dòng thác nhiều hình dáng, nhiều độ cao. Đền thơ Nguyễn Trung Trực, nơi người dân tỏ lòng biết ơn với người anh hùng này là điểm dừng chân cuối cùng trong hành trình đi về phía bắc Phú Quốc của bạn.


Từ thị trấn Dương Đông đến bắc Phú Quốc khá xa, đường khá xấu, để tiết kiệm chi phí và tham quan được tất cả, bạn nên đi du lịch Phú Quốc bằng xe máy. Khi di chuyển nhớ mang theo nước và một số thức ăn nhẹ để ăn dọc đường. Đổ đầy xăng nếu không muốn bỏ xe giữa đường (xe máy để ở đây không bị mất).


Điểm tham quan nổi tiếng nhất của Nam Đảo nói riêng và Phú Quốc nói chung là nhà tù Phú Quốc. Nhà tù hiện không còn giam giữ tù nhân mà được phục chế thành bảo tàng với nhà giam, tượng tái hiện các kiểu tra tấn, hàng rào kẽm gai, chuồng cọp… Điểm trừ là tất cả đều được làm mới hoàn toàn khiến du khách không khỏi hụt hẫng. Nhà tù mở cửa từ 8h – 11h30 và từ 13h30 – 17h hằng ngày.


Suối Tranh và bãi Khem hút du khách với hai góc nhìn khác nhau. Suối Tranh là vẻ đẹp của con suối bắt nguồn từ dãy Hàm Ninh, chảy thành thác ba tầng và không khí mát lạnh, dễ chịu như một ngày thu ở Đà Lạt. Còn bãi Kem (bãi Khem) là một trong những bãi tắm đẹp và thơ mộng với màu xanh ngát của nước biển, màu trắng của những con sóng bạc đầu và những dãy núi bao bọc. Các điểm dừng chân tiếp theo của Nam Đảo là “vương quốc hồ tiêu” xanh hút tầm mắt, nhà thùng nước mắm với tông màu gỗ ấm áp, các điểm nuôi cấy và kinh doanh ngọc trai (có cả ở Đông Đảo). Lịch tết năm nay hứa hẹn có nhiều đặc sản thú vị.


Nổi bật nhất ở Đông Đảo là thị trấn Dương Đông với hai địa danh Dinh Cậu và chợ đêm Dinh Cậu. Dinh Cậu quấn quýt du khách với vẻ đẹp của một cây cổ thụ xanh tốt, của những tảng đá khổng lồ nhiều hình dáng, góc nhìn xuống biển từ trên cao. Chợ đêm Dinh Cậu là nơi bạn mua quà lưu niệm, thưởng thức bánh khéo, hải sản tươi ngon.


Điểm đến tiếp theo của Đông Đảo là làng chài Hàm Ninh với vẻ đẹp của cầu tàu chạy thẳng ra biển, bức tranh thiên nhiên thay đổi hàng giờ, bến cá tấp nập. Đây cũng là địa danh để bạn khám phá những loại ốc, cá lại hay mua hải sản tươi ngon, giá rẻ mang về làm quà. Ngoài ra, nếu có thời gian, bạn đừng quên tạt vào bảo tàng Cuội Nguồn, bảo tàng tư nhân thứ 9 ở Việt Nam, nơi lưu giữ những câu chuyện về hòn đảo Phú Quốc và Chùa Sư Muôn (Hùng Long tự) cổ kính.

Kinh nghiệm đi Phú Quốc dịp Tết Nguyên Đán:

Có hai cách để đi du lịch Tết Phú Quốc. 

Một là bạn đi bằng đường hàng không: có thể bay thẳng từ Hà Nội hoặc Sài Gòn. Hầu hết các hãng máy bay đều đã có chặng bay Phú Quốc. Một số chặng bay Đi Phú Quốc:
  • Hồ Chí Minh đi máy bay đến Phú Quốc. Mỗi ngày thường có khoảng từ 6 đến 10 chuyến bay từ HCM – PQ.
  • Giờ bay : 06:20 / 06:40 / 07:20 / 08: 30 / 09:20 / 10:40 / 11:40 / 12:40 / 14:00 / 15:00. Giá Khoảng từ 1.050.000 đồng đến 1.400.000 đồng (VNA)
  • Cần Thơ đi máy bay đến Phú Quốc. Các chuyến bay đi PQ từ Cần Thơ xuất phát lúc 12:00 vào thứ 2, thứ 4, thứ 5, thứ 7, chủ nhật. Từ 720.000 VNĐ đến 1.325.000 VNĐ (VNA)
  • Rạch Giá đi máy bay đến Phú Quốc. Các chuyến bay đi Phú Quốc xuất phát từ Rạch Giá lúc 07:30 vào các ngày trong tuần.
  • Chuyến bay Hà Nội Phú Quốc giá khoảng 3.000.000 đến 5.000.000 tùy thời điểm.Vé máy bay các chặng đi du lịch tết Phú Quốc cũng có giá rẻ nhưng phải book sớm trước vài tháng, và vé giá rẻ cũng có những điều kiện ràng buộc. Theo quy định hàng không thì các chuyến bay quốc nội hành khách có mặt trước giờ bay 1 tiếng để làm thủ tục.
Thông thường khi mình đặt khách sạn trước thì lúc mình đến sân bay nhân viên khách sạn sẻ đón mình về (nhớ là báo giờ bay và sdt để khách sạn đón nhà mình), chi phí cho việc này đã bao gồm trong tiền phòng nên nhà mình không phải trả thêm. Sân bay Phú Quốc cũng nằm gần trung tâm, nếu bạn đi những chỗ khác có thể gọi taxi. Giá tính trên giá đồng hồ.

Đường bộ xuất phát Đi Phú Quốc từ Sài Gòn

Đối với Du Lịch tết Phú Quốc bạn nên đi bằng đường bộ từ Sài Gòn, sau đó đi tàu ra Phú Quốc. Bạn có thể đi xe đêm ra Rạch Giá, ngủ trên xe. Trên đường xe đi từ Sài Gòn đi Rạch Giá xe sẽ dừng 2 lần. Lần 1: đến trạm dừng chân khu vực Tiền Giang – trong khoảng thời gian này chúng ta có thể ăn uống, vệ sinh cá nhân (lưu ý khi xuống xe nhớ bản số xe để không bị nhầm nhé). Lần 2: đến bến phà Vàm Cống (Đồng Tháp) lúc này mọi người xuống xe đi qua phà (anh/chị nào có em bé nhỏ hoặc đi cùng người già thì nói bác tài 1 tiếng để được ngồi trên xe và không phải xuống) vé đi qua phà anh tài xế sẽ phát cho mọi người lúc xuống xe (nhớ lấy để khỏi phải mua).

Thông thường người đi bộ sẽ qua phà trước và chờ tí xíu xe qua sau, chú ý biển số xe để đón xe qua phà, tiếp tục khởi hành đến Rạch Giá. Đến nơi khoảng hơn 5h sáng. Trước lúc xuống xe nhà mình nhớ hỏi anh tài xế xe “Trung chuyển” đậu ở đâu để lên xe này đi không phải mất phí.


Lúc vừa xuống xe có rất là nhiều anh xe ôm chạy theo lôi kéo mọi người cứ bình tĩnh từ chối, cứ nhắm xe trung chuyển đậu ở đâu thì cứ thẳng tiến, lúc lên xe trung chuyển nhà mình cứ nói là “anh ơi chở nhà em đến bến tàu đi Phú Quốc” nếu nhà mình chưa có vé tàu thì có thể mua gần khu vực bến tàu có rất nhiều phòng vé.

Thông tin tàu và xe đi du lịch tết Phú Quốc

  • Xe Mai Linh: (08) 39292929
  • Xe Phương Trang : (08) 38333468


    Đây là hai hãng xe tốt nhất đi Rạch Giá hiện nay, tham khảo thêm bài Tổng Hợp các hãng xe khách.Nếu bạn đi xe khách trong ngày thì nên nghỉ lại một đêm ở Rạch Giá. Giá nhà nghỉ cũng phải chăng không đắt lắm đâu.

    Thuê xe ô tô tại Phú Quốc: bạn có thể liên hệ: A. Huy cho thuê xe có tài xế : 01688880608

    Tàu đi Phú Quốc

    Thông thường các chuyến tàu cao tốc sẽ xuất phát đi Phú Quốc 8h sáng và 1h chiều (nếu mọi người không thích ở Rạch Giá chơi thì book vé chuyến 8h sáng đi luôn), bạn có thể đặt vé của hai hãng sau:

    Tàu Savanna
    • Địa chỉ: Số 12 Đường Tự Do; Vĩnh Thanh; Rạch Giá (gần bến tàu)
    • Số điện thoại phòng vé: 0773.692.888
    • Giá vé người lớn : 270.000/lượt, trẻ em 6-12 tuổi 200.000/lượt
    • Website: http://savannaexpress.com

    Tàu Superdong II
    • Địa chỉ: Số 14 Đường Tự Do; Vĩnh Thanh; Rạch Giá (gần bến tàu)
    • Số điện thoại phòng vé: 077 877742 – 077 877 741
    • Giá vé người lớn : 270.000/lượt.

    Số điện thoại khi kẹt vé, có thể nhờ mua vé chợ đen, liên hệ Chú 7 Liêm 0914254520 (nhờ tìm vé hộ).

    Thời gian tàu chạy từ Rạch Giá đến Phú Quốc mất khoảng 2h30 phút đến 3h tùy thuộc vào tình hình thời tiết, nhà mình ai mà hay bị say tàu thì ra khu vực phía sau mà ngồi sẽ khỏe hơn so với ngồi phía trước, lúc lên tàu cũng có thể lên phía trên cabin (ở tầng trên) ngồi phía trên có thể ngắm cảnh, ngắm sóng biển tung bọt trắng xóa.


    Lúc tàu sắp cặp bến mấy anh nhân viên trên tàu có thông báo bán vé xe đưa khách từ bến tàu Bãi Vòng về trung tâm Thị Trấn Dương Đông, bạn có thể đặt vé, hoặc đi taxi về trung, bến tàu cách trung tâm khoảng 12 – 13 km. Ngoài ra có thể đi xe ôm về, cứ lựa giá mà mặc cả.

    Tham quan ở Phú Quốc:
    • Vườn tiêu, Bãi sao, ngọc trai, cảng an thới, gành dầu, bãi dài …
    • Di tích lịch sử Nhà Tù Phú Quốc
    • Làng chài Hàm Ninh
    • Vườn tiêu suối Đá
    • Nhà thùng sản xuất nước mắm
    • Suối Tranh (vào mùa mưa)
    • Chùa Hùng Long Tự

    Nhà nghỉ resort dịp du lịch tết ở Phú Quốc

    Mình gợi ý một số resort nhà nghỉ giá hợp lý đó là: Kim Nam Phuơng, Thanh Kieu Co Co Beach, Nhật Lan, Mai House, Beach Club. Resort Hiệp Thạnh, Sea Star Resort, phòng tiêu chuẩn 2 sao, có khuôn viên sân vườn rộng rãi và bãi tắm trước Resort.


    Khách sạn Kim Thanh Nga, đến đặt trực tiếp vào ở luôn giá chỉ $18 cho phòng quạt, $20 nếu lấy phòng có thêm nước nóng và $25 cho phòng máy lạnh. Khách sạn này trong hẻm ko có bảng gì ở ngoài hết nên hơi khó tìm. Phòng ok, chủ nhiệt tình, dễ thương. Các bạn có thể tự search google xem hình. Taxi từ sân bay chở thẳng tới đây mất gần 135k.

    Khách sạn Hồng Tuyết địa chỉ 14 Bạch Đằng, thị trấn Dương Đông. Thuận lợi gần chợ đêm (đi bộ), ngay trước mặt ks là bến tàu câu mực đêm, lặn biển.

    Sea Breeze Hotel rất sạch sẽ, thoáng mát, giá khoảng 350k-850k/phòng (tùy phòng, giá tham khảo 2010). Đây là một khách sạn nhỏ xinh, nằm trên đường Trần Hưng Đạo, ban công nhìn ra biển, ngay gần Sài Gòn Phú Quốc, ĐT 077 3994920.

    Khách sạn Hiệp Thoại, ngay trung tâm, giá phòng phải chăng, có view đẹp nhìn ra biển nhé. Điện thoại 0773981060, khách sạn nằm ngay trên đường Trần Hưng Đạo. Ở đây được cái đi chơi rất tiện, bạn gọi điện đến hỏi giá nhé.

    Nhà nghỉ giá rẻ và bình dân Thiên Vy, số 06 Lý Thường Kiệt Phú Quốc, gần sân bay Phú Quốc.Nhà nghỉ bình dân Ốc Đảo: 0982111232 / Giá rất hạt rẻ, giá hồi xưa là 150k/ đêm.

    Các hotel tiêu chuẩn 2 sao tại Thị trấn Dương Đông . Mình giới thiệu bạn khách sạn Thiên Sơn , đây là hotel sao, phòng dạng bungalow nằm trong khuôn viên rộng mát và sạch sẽ. Khách sạn nằm trên một quả đồi , không gần biển , cách chợ đêm Dinh Cậu khoảng 2km.

    Hương Giang Bungalow: là khách sạn ven biển gồm 16 Bungalows tọa lạc ngay khu vực du lịch đông đúc của Phú Quốc. Với 5 phút đi bộ bạn có thể hòa mình vào làn nước mát lạnh của biển. Hương Giang là sự chọn tối ưu nếu như bạn muốn chi trả giá phòng thấp nhưng vẫn hài lòng về vị trí của nơi lưu trú. Ưu điểm: giá phòng rẻ. Nhược điểm: không có hồ bơi và bãi biển riêng. Giá tham khảo năm 2011 (Phòng có máy lạnh 450.000 VND Phòng không máy lạnh 550.000 VND)

    Nếu bạn thích được ở gần biển , bạn có thể chọn các hotel ở bên bờ biển Bà Kèo ( Bãi Trường ) nằm trên đường Trần Hưng Đạo, Phú quốc . Ở đây có nhiều resort nhỏ do người Việt làm chủ và họ hướng đến phục vụ khách tây nhiều hơn , họ sẵn sàng hoạt động 6 tháng và đóng cửa 6 tháng. Phòng ở các resort này chỉ dừng lại ở mức tiện nghi bình thường và sạch sẽ vì khách tây họ không có đòi hỏi nhiều , họ cần không gian biển gần gũi thiên nhiên hơn là 1 phòng bê tông với máy lạnh chạy cả ngày. Tùy theo sở thích bạn có thể đưa ra lựa chọn cho mình.

    Đặc sản Phú Quốc


    Đặc sản ở Phú Quốc phải kể đến Hồ Tiêu và Mắm. Tuy nhiên đến đây bạn cũng được thưởng thức các món ăn Hải Sản rất ngon đó là:
    • Gỏi cá trích
    • Gỏi ốc giác
    • Gỏi cá nhồng
    • Còi biên mai – Còi là thớ thịt nằm giữa hai vỏ sò , ốc .
    • Còi chôm chôm
    • Nhum ( Cầu gai )
    • Cá mú nướng giấy bạc
    • Cá mang ếch chiên xù
    • Ghẹ hàm ninh
    • Tôm tích
    • Ốc nhảy lớn
    • Bào Ngư
    • Súp nấm tràm – Chỉ có vào mùa mưa.
    Chi tiết: Quán ăn Ngon ở Phú Quốc mở cửa vào lịch tết.

    Khi đi ăn ở các quán ăn bạn nên ăn thử các món trên nha. Về Ăn sáng: nếu bạn ở trong các resort hay hotel bao gồm ăn sáng thì ko phải phiền vấn đề này. Còn bạn là dân du lịch bụi chính hiệu bạn sẽ quan tâm tới việc ăn sáng. Du lịch vùng biển đảo nên ăn sáng chắc mọi người ko ai muốn ăn phở rồi, các món ăn từ hải sản sẽ khiến mọi người quan tâm hơn như một tô bánh canh chả cá hay hủ tiếu mực, cơm ghẹ … Một số điểm ăn sáng có thể lui tới:
    • Quán ăn Lê Giang – Nằm ngay vòng xoay chợ đêm, quán ăn lê giang là địa chỉ ăn sáng quen thuộc của những du khách đi theo đoàn.
    • Quán ăn Quốc Anh – Đồ ăn ở đây được nhiều khách khen ngon. Đường 30/4 Phú quốc , gần khách sạn Thăng Long .
    • Quán bánh canh chả cá – Là quán ăn bình dân nằm bên lề đường , ngay sát khách sạn thăng long , nếu bạn thích ngồi nhìn cảnh đường phố và thưởng thức hương vị bản địa hãy đến đây là thử.
    • Nhà hàng Zen – Nhà hàng sang trọng nằm trên đường 30/4, khung cảnh sân vườn mát mẻ, nhân viên phục vụ chuyên nghiệp.
    • Buffet sáng ở Hotel Hương Biển – Bạn có thể gọi đến hotel để đặt xuất ăn sáng Buffet tại nhà hàng này dù bạn ko thuê phòng ở đây.

    Nhà hàng Phú Quốc mở cửa lịch tết
    • Nhà hàng Vườn Táo : Đã đến Phú quốc là ko thể bỏ qua món gỏi cá trích và nếu bạn ko thưởng thức món ăn đặc sản này tại Nhà hàng Vườn táo nữa thì coi như chuyến đi Phú quốc của bạn chỉ được một nữa. Cá trích tươi được tái với giấm Sim, ăn kèm với hơi chục loại rau rừng và nước chấm đặc biệt của nhà hàng tự sản xuất, nhắm nháp thêm vài ly rượu Sim rừng. Trước khi ăn gỏi cá trích hãy nhớ bảo các anh phục vụ đọc cho nghe câu thần chú về gỏi cá trích nhé! Nên ở nhà hàng Vườn táo vào ban ngày vì ban đêm ở đây vắng vẻ do nằm xa trung tâm thị trấn.
    • Nhà hàng Zen: Nhà hàng sang trọng, có khuôn viên sân vườn rộng, có khả năng chứa 500 khách.
    • Nhà hàng Sông Xanh: có view ra dòng sông Dương Đông xanh biếc.
    • Nhà hàng Trùng Dương: Nhà hàng giá cả bình dân.
    • Nhà hàng Sáng Tươi: Nhà hàng cũ nhất tại Phú Quốc, hầu như không có nâng cấp nào từ lúc khai trương. Hầu như chỉ phục vụ khách đoàn.
    • Nhà hàng Việt Xưa: Đây chắc là nhà hàng vắng khách nhất tại Phú quốc. Tuy có thiết kế đẹp nhưng giá cả và cung cách phục vụ kém là nhà hàng ko được ưu chuộng.
    • Nhà hàng Hương Biển – Nhà hàng của khách sạn Hương Biển đây là nơi lý tưởng để ăn ban đêm, nhà hàng nằm trên sân thượng của hotel, có view nhìn ra biển rất ấn tượng
    • Quán Nghêu Sò Ốc Hến: Quán ăn bình dân với các món hải sản.
    • Quán Nghêu Sò Phú Quốc: Quán ăn bình dân với các món hải sản.
    • Chợ Đêm Dinh Cậu: Món ăn phong phú với nhiều hàng quán nằm sát nhau , cá tôm mực tươi rói nằm kế bên bếp lửa than hồng. Hãy thưởng thức hương vị của biển theo cách của bạn.
    • Quán Gia Tường: Đây là chổ duy nhất ko bán hải sản ở Phú quốc, món ăn ở đây là đặc sản của rừng Phú quốc. Bạn có nghe qua tên con Càng tôm, càng cuốc? Hãy đến đây để biết nhé!

    Chúc các bạn có một chuyến du lịch tết Phú Quốc thật vui vẻ và thú vị cùng gia đình mình...!