Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Chia sẽ kinh nghiệm để có chuyến du lịch tiết kiệm nhất

Đi du lịch là sở thích của nhiều người, điều đó mang lại niềm vui, sự thoải mái đồng thời là cách thư giãn tinh thần hiệu quả. Nếu khéo léo áp dụng theo một vài kinh nghiệm nhỏ sau đây,du khách có thể thực hiện ngay một chuyến du lịch thú vị mà không phải tốn quá nhiều chi phí.

Du lịch "ngược mùa"

Lên kế hoạch du ngoạn vào thời điểm trái mùa, tránh những ngày cao điểm như các dịp hè, lễ, tết…là một ý tưởng hay. Những ngày này phí dịch vụ sẽ không bị tăng cao, các điểm du lịch cũng thường vắng người, du khách sẽ tận hưởng được không gian yên tĩnh và cảm thấy thoải mái vì không phải chờ đợi lâu.


Đồng thời, nhằm tăng số lượng khách trong mùa thấp điểm, các cty du lịch, các hãng máy bay và nhiều khách sạn thường có những chương trình ưu đãi hấp dẫn.

Đây là cơ hội tốt để du khách tiết kiệm khoản lớn ngân sách mà vẫn có được một chuyến đi ý nghĩa.

Mang theo những vật dụng có sẵn

Du khách nên chuẩn bị trang phục gọn nhẹ, thoáng mát, và nhớ mang theo những vật dụng cá nhân cần thiết sẵn có như: nón, đồ bơi, sữa tắm, khăn giấy, mắt kính… để khỏi phải mua khi cần dùng.

Dự trữ một vài loại thức ăn đóng hộp hoặc thực phẩm khô đôi khi cũng rất tiện lợi và an toàn.

Rủ bạn bè cùng đi

Nếu rủ được nhiều người bạn cùng đi, du khách có thể chia sẻ được nhiều khoản tiền như chỗ lưu trú, ăn uống, phương tiện di chuyển…

Hơn nữa, cùng nhau tổ chức cắm trại, khám phá những nơi có phong cảnh đẹp, tự do nấu nướng, vui chơi cũng sẽ rất vui nhộn và thú vị.

Lựa chọn những hình thức di chuyển

Tàu hỏa hay xe chất lượng cao là lựa chọn hợp lý cho những ai không có nhiều kinh phí. Đến nơi, du khách có thể sử dụng xe buýt, taxi, thuê xe đạp hay dạo bộ đến những địa điểm tham quan, giải trí để có thể vừa đi vừa ngắm cảnh.

Du lịch bụi bằng xe máy cũng rất tuyệt cho những chuyến phiêu lưu, như thế du khách sẽ dễ dàng dừng chân ở những nơi có phong cảnh đẹp và chủ động được thời gian di chuyển.


Mua vé máy bay giá rẻ là cách tiết kiệm hiệu quả vì vậy du khách nên đặt mua từ sớm, tranh thủ những đợt khuyến mãi của các hãng hàng không.

Nên du lịch theo tour trọn gói vừa rẻ vừa thuận tiện, nhất là khi bạn dự định khởi hành tới những nơi xa lạ.

Tìm phòng nghỉ giá rẻ


Lên mạng tìm hiểu thông tin, tham khảo giá và gọi điện đặt phòng trước là rất cần thiết. Nếu không tìm được khách sạn giảm giá hãy chọn nghỉ ngơi ở những nhà trọ an ninh, sạch sẽ.

Đặc biệt, vào những ngày thường hoặc đi theo nhóm bạn, du khách dễ có cơ hội thuê được những phòng nghỉ tốt với giá cả phải chăng.

Hỏi kinh nghiệm từ bạn bè hoặc người dân địa phương để được giới thiệu những nhà nghỉ bình dân nhưng tiện nghi,chất lượng.

Chọn nơi ăn uống hợp lý

Thay vì đến những nhà hàng sang trọng, du khách nên nên ghé chợ để thưởng thức ẩm thực địa phương, nước uống đóng chai khi mua bên ngoài cũng sẽ rẻ hơn trong khách sạn.
Ngoài ra, các quán ăn bình dân cũng được nhiều người ưa chuộng bởi sự tiện lợi, món ăn đa dạng với mức phí dễ chấp nhận. Tuy nhiên, du khách nên lưu ý vấn đề vệ sinh thực phẩm và chỉ đến những hàng quán đáng tin cậy, có niêm yết giá rõ ràng.

Lưu ý khi mua sắm

Du khách nên đi xem qua các gian hàng và có sự so sánh trước khi quyết định mua, nhớ trả giá khi muốn mua đặc sản hay quà lưu niệm. Các quà lưu niệm thường được thiết kế khá bắt mắt, do vậy, có thể làm bạn tốn nhiều hầu bao. Hãy cân nhắc khi mua, vì các quà lưu niệm thường bán giá khá cao so với giá trị thật của chúng.


Hãy hỏi người địa phương để biết những nơi mua sắm uy tín, đảm bảo chất lượng. Kiểm tra cẩn thận các mặt hàng cần mua để tránh bị tráo đổi, hoặc hàng kém chất lượng.

Tại các khu chợ, hàng hóa bày bán phong phú và rẻ hơn trung tâm thương mại rất nhiều, du khách cũng được hưởng nhiều ưu đãi khi mua hàng tại các siêu thị miễn thuế.

Nhật ký chi tiêu

Việc ghi chép lại hàng ngày rất hữu dụng giúp bạn dễ dàng kiểm soát chi tiêu và ước lượng khả năng tài chính của mình.
Điều này cũng là cách ghi dấu những kỷ niệm trong chuyến đi và có thể dùng làm kinh nghiệm bổ ích cho những lần đi sau.

Sau thời gian làm việc căng thẳng, ai cũng mong muốn được tận hưởng một kỳ nghỉ vui vẻ, trọn vẹn bên gia đình và người thân. Bằng sự chuẩn bị chu đáo và lên kế hoạch rõ ràng, du khách có thể hoàn toàn yên tâm tổ chức một chuyến du lịch lý thú, vui tươi mà vẫn tiết kiệm. Chúc quý có một hành trình du lịch vui tươi, thoải mái.

Trúc Linh – Đất Việt

Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

Khám phá "Địa ngục trần gian"

Côn Đảo nổi tiếng là di tích lịch sử gắn liền với quá khứ đau thương của dân tộc, khi nhắc đến du lịch Côn Đảo, nhiều du khách vẫn chỉ nghĩ đến những nhà tù đáng sợ. Tuy nhiên những năm gần đây, khi du lịch biển đảo ngày càng được ưa chuộng, du khách đã phát hiện ra vẻ nguyên sơ và kỳ vĩ của vùng đảo xinh đẹp thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Với biển xanh trong, cát trắng mịn, không khí mát rượi đã khiến du lịch Côn Đảo trở nên hấp dẫn không chỉ với du khách trong nước mà còn với người nước ngoài.


Ngày nay Côn Đảo trở thành điểm du lịch lý tưởng cho những du khách muốn kham phá vẻ đẹp hoang sơ và tìm hiểu lịch sử của đất nước Việt Nam. Tại đây du khách có thể lang thang để cảm nhận sâu sắc về quá khứ và khám phá thế giới đại dượng với dãy san hô muôn màu cùng cánh rừng nguyên sinh với hệ động thực vật phòng phú và thoát khỏi cuộc sống ồn ào của đô thị. Từ một "địa ngục trần gian", Côn Đảo nhanh chóng chuyển mình thành một trong những hòn đảo quyến rũ nhất hành tinh, có thể làm lạc bước chân mỗi du khách khi đặt chân đến hòn đảo xinh đẹp này.
Biển ở Côn Đảo nước trong veo, gió lùa mát rười rượi, xung quanh bãi tắm là những hàng cây xanh ngắt. Bãi Đầm Trầu, gần sân bay Cỏ Ống: cát trắng mịn, núi ôm lấy biển theo hình vòng cung nên bãi Đầm Trầu luôn có sóng nhẹ, yên tĩnh. Đây được xem là bãi tắm đẹp nhất của du lịch Côn Đảo.


Du lịch Côn Đảo tạo cơ hội cho du khách ngắm mặt trời tuyệt vời nhất. Thức dậy thật sớm để đón bình minh tại Mũi Cá Mập, mặt trời mọc qua hòn Bảy Cạnh, các đám mây trên bầu trời cùng với tia nắng ban mai tạo nên một màn trình diễn ánh sáng kỳ ảo. Chiều đến dạo qua bãi Nhát ngắm nhìn hoàng hôn ấm áp từ từ lặn qua Đỉnh Tình Yêu.

Rừng nguyên sinh Ông Đụng: Từ Côn Đảo, du khách có thể đi về phía Tây, trải nghiệm băng qua rừng nguyên sinh Ông Đụng, những hàng cây nhiệt đới xanh mát, hoang sơ dẫn đến bãi biển xinh đẹp cuối rừng.

Du khách có thể thuê tàu du lịch để đến với hòn Bảy cạnh, hòn đảo lớn thứ hai trong số 16 hòn đảo thuộc quần đảo Côn Đảo. Toàn bộ đảo được che phủ bởi rừng nhiệt đới nguyên sinh. Đến đây ngoài tham quan, du khách có thể đăng ký tour lặn ngắm san hô hấp dẫn.


Hòn Tre được xem là địa điểm tham quan hấp dẫn của Côn Đảo. Vịnh Đầm Tre với cảnh quan tự nhiên, kín gió, có rừng ngập mặn bao bọc xung quanh. Tại đây, du khách có thể tham quan rừng ngập mặn, bơi lặn ngắm san hô, xem chim yến làm tổ trong mùa sinh sản và nhiều loài sinh vật biển khá. Trên đường đi tha hồ ngắm cảnh đẹp của vịnh Côn Sơn, mũi Lò Vôi, bãi biển Đất Dốc, mũi Chim Chim, vịnh Đông Bắc…

Đến với du lịch Côn Đảo không thể bỏ qua lịch sử hào hùng của vùng đất này thông qua các di tích ý nghĩa:

Bảo Tàng Côn Đảo: Trước đây là nơi ở và làm việc của các đời chúa đảo. Đến với bảo tàng, bạn có cơ hội tìm hiểu lịch sử hình thành Côn Đảo thông qua các hiện vật, cổ vật, hình ảnh và các tư liệu từ thời Pháp thuộc đến nay.


Trại tù Phú Sơn, Phú Hải Côn Đảo: Nơi giam giữ các tù binh cộng sản thời Pháp và Mỹ

Khu di tích Chuồng Cọp: Tìm hiểu cuộc sống, các cách tra tấn dã man, nơi sinh hoạt của các tù binh bị giam cầm và nơi đây cũng là nơi giam giữ chị Võ Thị Sáu.


Nghĩa trang Hàng Dương: nơi có mộ của hơn 2000 liệt sĩ và mộ chị Võ Thị Sáu là điểm không thể bỏ qua. Đến đây ngoài thắp hương, du khách nên chuẩn bị đồ lễ, không thể thiếu gương lược và mang được hoa tươi thì rất tốt ( hoa màu trắng ).

Ngoài những di tích lịch sử Côn Đảo còn có những điểm du lịch tâm linh tín ngưỡng như:

Đền thờ bà Phi Yến: hay còn gọi là An Sơn Miếu, Bà Phi Yến là vợ vua Nguyễn Ánh, mẹ của Hoàng tử Cải. Khi bị kẻ xấu lợi dụng, vì quá uất ức, bà Phi Yến đã tự tử khi chỉ mới 25 tuổi. Du khách cũng nên viếng thăm Miếu và mộ của Hoàng tử Cải nằm gần sân bay Cỏ Ống.

Chùa Núi Một: nằm ở trung tâm huyện được xem là ngôi chùa có phong thủy đẹp nhất Việt Nam. Chùa mới khánh thành năm 2011, nằm trên núi, có tầm nhìn bao quát xuống biển - núi - thành phố - hồ sen An Hải vô cùng đẹp.


Đến với điểm du lịch nào cũng vậy thì du khách không thể bỏ qua các món ăn đặc sản của điểm du lịch đó, đến voi Côn Đảo cũng vậy du khách có thể thưởng thức những món ăn đặc sản của hòn đảo xinh đẹp này. Ở Côn Đảo không có nhiều nhà hàng, quán ăn ngoài nhà hàng trong các khách sạn hay resort, nhưng các quán ăn ở đây có giá tương đương nhau và nấu nướng khá ngon. Nổi tiếng có quán Tri Kỷ nằm trên đường Nguyễn Đức Nhuận, bán hải sản và các món cơm. Hoặc Quán Thu Ba ngay chợ Côn Đảo, trên đường Võ Thị Sáu: quán nhỏ nhắn, sạch sẽ, bà chủ rất kỹ tính và nêm nếm rất ngon, bàn ghế và chén đũa rất tươm tất. Quán bán các loại hải sản, món ăn cơm, món lẩu cháo…

Một số đặc sản hấp dẫn của du lịch Côn Đảo có thể kể đến:

Ốc Vú Nàng: Những con ốc hình chóp, ngọt thịt, thơm ngon dù nuớng, luộc, xào, làm gỏi,… ngon nhất là ốc Vú Nàng nướng mỡ hành. Các quán ăn ở đây đều phục vụ đặc sản này. Du khách có có thể vừa thưởng thức hải sản vừa ngắm biển xanh ngắt.

Cá mú đỏ: Đặc sản vùng biển đảo. Thịt cá dai, ngọt và thơm.

Tôm hùm và Tôm hùm mũ ni: Tôm hùm được xem là “vua hải sản” ở Côn Đảo, tuy không rẻ hơn trong đất liền bao nhiêu nhưng tôm ở đây tươi ngon đặc biệt.

Mứt hạt bàng: Cây bàng mọc khắp nơi trên Côn Đảo. Quả bàng chín vàng ươm, bóc lớp thịt lộ ra hạt trắng nõn. Hạt bàng ở Côn Đảo đợc rang mặn với muối hay rang ngọt cùng đường. Ăn bùi, thơm giòn. Hẩu như ai đến du lịch Côn Đảo cũng mua mứt hạt bàng về làm quà. Gía tầm 20-30 nghìn/kg. Mùa cao điểm có thể lên đến 50 nghìn/kg.

Mắm hàu: Món nước chấm không thể thiếu trong bữa ăn ở Côn Đảo. Làm từ thịt hàu trắng tươi, trộn với muối, ớt, gia vị,… trong nhiều ngày, lắng ra loại nước thơm lừng màu nâu đỏ làm nên sự độc đáo cho các món ăn ở đây.

Đến Phú Quốc với biển xanh - cát trắng - nắng vàng

Những bãi cát trắng trải dài với biển xanh thăm thẳm, Phú Quốc như một "đảo ngọc" của vùng đất phương Nam. Nhắc tới đảo Phú Quốc, chắc hẳn ai cũng nghĩ tới nét đẹp hoang sơ của nơi này. Khi thực sự đặt chân tới đây, du khách không khỏi ngỡ ngàng với vẻ đẹp của Phú Quốc.



Đến đây du khách có thể tận hưởng những cảm giác một mình ngắm biển xanh thăm thẳm, thả mình trong làn nước mát, phơi nắng trên bãi cát vàng mịn, đón những làn gió biển thổi vào, cảnh thiên nhiên hoang sơ chỉ có ở Phú Quốc.


Đến với Phú Quốc khám phá hòn đảo xinh đẹp này bằng xe máy mới thấy được cảm giác trải nghiệm thú vị. Vượt qua những con đường đất đỏ, xuyên rừng quốc gia Phú Quốc, đi về phía bắc đảo để đến những bãi biển dài. Đúng như tên gọi “Bãi Dài”, bãi cát vàng trải dài, với những cơn sóng vỗ vào bờ.
Dân cư sống thưa thớt nên bãi biển càng hoang sơ vắng lặng, du khách sẽ không gặp ai nếu đến đây vào buổi chiều hay sáng sớm. Bãi biển này đã từng được truyền thông nước ngoài bình chọn đứng đầu trong số 5 bãi biển đẹp và sạch, nhưng còn ít người biết tới trên thế giới.


Trên đường đến Bãi Dài, du khách sẽ phải vượt qua cánh rừng nguyên sinh với nhiều loài chim thú và thiên nhiên hoang dã. Nhiều du khách nước ngoài thích trèo qua rừng, để tận hưởng cảm giác mát rượi, sáng khoải khi trở về với cây cỏ, được nghe tiếng suối chảy róc rách. Rừng nguyên sinh đã được công nhận là rừng quốc gia với 530 loài thực vật bậc cao, 365 loài chim và 150 loài động vật trong đó có nhiều loại có tên trong sách đỏ.


Ngược về phía nam đảo, du khách có thể đến bãi Sao, bãi biển cát trắng như pha lê, mặt nước trong suốt nhìn thấu đáy và đặc biệt là không khí rất trong lành khiến ai đến đây đều cảm giác được sự sản khoái và thư giãn. Phú Quốc có rất nhiều dịch vụ khám phá biển thú vị, du khách có thể thuê tàu ra các đảo câu mực, lặn ngắm san hô, hay tắm biển. Hoặc đơn giản là ngắm mặt trời lặn trên đại dương, cảm giác được hòa mình với thiên nhiên. Gió biển mát dịu cùng với các bãi biển cát trắng tiếp giáp với nước biển xanh trong vắt như pha lê làm cho nơi đây thực sự như một "thiên đường".


Buổi trưa, bãi biển mới tấp nập du khách đến tắm biển và phơi nắng. Nhiều du khách nước ngoài khi phơi nắng trên bãi biển, họ nói rằng bãi biển đẹp ngang với Hawaii, Bali… nhưng không gian nơi đây yên tĩnh và thơ mộng hơn.

Du khách có thể ghé thăm Làng chài Hàm Ninh, trước mặt là biển cả, sau lưng là núi rừng, cuộc sống nơi đây vẫn giữ được nguyên vẻ hoang sơ như từ xa xưa. Người dân sinh sống trên đảo chủ yếu bằng nghề lặn ngọc trai, đánh bắt hải sâm và giăng lưới. Khi nước ròng, bãi cát mênh mông chạy ra xa, lúc nước lên tràn ngập bãi vào mé rừng. Thú vị hơn cả là thăm Hàm Ninh vào những đêm trăng rằm, được thưởng thức cảnh nhật nguyệt bồng bềnh trên mặt biển.


Trên đường về du khách nên ghé vào suối Tranh, suối Đá Bàn, ngâm mình trong dòng suối nghỉ mát lạnh giữa rừng già. Con suối men theo khe đá, uốn lượn qua những vách núi để hòa chảy ra biển. Suối Tranh được bao bọc bởi cây cối xanh tươi, dòng nước trong veo hiền hòa.


Trung tâm đảo Phú Quốc là thị trấn Dương Đông, bãi biển nằm kề thị trấn ôm ấp hàng loạt khu nghỉ dưỡng tạo dãy phố “resort”. Gần đó là đền Dinh Cậu thờ hai cậu: Cậu Tài và Cậu Quý, đại diện cho sông nước cai quản cửa sông luôn phù hộ cho ngư dân khi gặp sóng to gió lớn. Dinh Cậu không chỉ cuốn hút khách phương xa bằng truyền thuyết huyền bí mà còn là nơi hấp dẫn để thưởng ngoạn cảnh biển lúc hoàng hôn. Phía sau ngôi đền là ngọn hải đăng Dương Đông sừng sững vươn cao, chỉ đường cho tàu thuyền ban đêm.


Không chỉ có biển, núi rừng, sông suối, Phú Quốc còn ghi dấu ấn lịch sử với nhiều cuộc chiến đấu của các anh hùng dân tộc. Đền thờ Nguyễn Trung Trực tại xã Gành Dầu là nơi tưởng nhớ người anh hùng đã đốt cháy tàu Pháp trên sông Nhật Tảo ngày 11/12/1861. Sau trận quyết tử ở sông Cửa Cạn, ông sa vào tay giặc song khẳng khái cự tuyệt lời kêu gọi hợp tác, đã bị hành quyết tại Rạch Giá.


Nhà lao Cây Dừa nay là Nhà tù Phú Quốc vốn là trại giam từ thời Pháp. Nơi đây đã từng giam cầm 40.000 chiến sĩ, có khoảng 4.000 người đã vĩnh viễn nằm lại đây. Hiện nay, Nhà tù Phú Quốc còn giữ lại nhiều hiện vật tra tấn dã man của chính quyền Mỹ ngụy như chuồng cọp, xà lim hay những cây đinh được đóng vào người tù binh.


Đến Phú Quốc, du khách sẽ được làm quen những người địa phương chân chất hiền lành, họ luôn sẵn lòng đón du khách với nụ cười hiếu khách và sự thân thiện hào phóng của người dân xứ đảo. Họ sẵn sàng chia sẻ cho du khách các địa chỉ du lịch Phú Quốc, nơi ăn, chỗ nghỉ, hay các món ăn địa phương… Tại chợ Dương Đông, du khách sẽ gặp bạt ngàn khô mực, khô cá đuối, khô thiều, cá sình, cá chẻm và rất nhiều món ăn được chế biến với phong vị riêng để mua làm quà. Hay những chai nước mắm Phú Quốc thơm ngon, không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn vang xa ra khắp thế giới.

Kinh nghiệm du lịch bụi, phượt Hà Giang

Những cung đường núi tuyệt đẹp, nắng trải vàng trên các đỉnh núi, ruộng bậc thang trùng điệp... đưa bạn đến Hà Giang rồi níu chân khiến bạn quyến luyến không nỡ rời.

Di chuyển

Do cung đường từ các tỉnh đến Hà Giang khá rắc rối, nên Hà Nội được chọn là điểm xuất phát cho du khách từ mọi miền đến Hà Giang.

Bằng phương tiện công cộng 

Bạn có thể mua vé đi Hà Giang tại bến xe Mỹ Đình hay đặt vé ở các hãng xe được nhiều dân đi bụi đánh giá tốt như Cầu Mè, Bằng Phấn, Khải Huyền, Khải Vân…. Sau đó từ bến xe Hà Giang có thể đi xe đò, thuê xe ôm, hay thuê xe gắn máy của anh Nam, người duy nhất cho thuê xe máy ở thành phố Hà Giang (điện thoại: 0917 797 269) để đi Đồng Văn.

Phương tiện cá nhân

Từ Hà Nội, bạn có thể di chuyển bằng xe máy hay xe con đến Hà Giang theo 2 tuyến sau: Tuyến đi thứ nhất: Hà Nội – Vĩnh Phúc – Việt Trì – Phú Thọ - Tuyên Quang. Tuyến đi thứ hai: Hà Nội – Sơn Tây – Cầu Trung Hà – Cổ Tiết – Cầu Phong Châu – Phú Thọ - Đoan Hùng – Tuyên Quang (Tuyến đi thứ nhất dài hơn khoảng 30km so với tuyến thứ hai).

Bạn chỉ có thể khám phá cao nguyên Hà Giang bằng xe máy nên nếu đi xe con, bạn phải thuê xe ôm hay xe máy tại thành phố Hà Giang.

Lưu ý khi di chuyển bằng phương tiện cá nhân, bạn nên mang theo đầy đủ giấy tờ xe. Tuân thủ luật an toàn giao thông đường bộ.

Nên đến vào tháng nào? 

Trừ tháng 7-8 có mưa kéo dài, gây khó khăn cho việc di chuyển, khám phá, các tháng còn lại Hà Giang đều đẹp, lãng mạn và quyến rũ lòng người. 

Nhà nghỉ, khách sạn

Khu vực trung tâm Hà Giang gồm các tuyến đường 34, đường 2, các bạn căn cứ vào đó để thuê khách sạn tiện cho việc di chuyển. Lưu ý đặt chỗ trước khi đến. Nhà nghỉ và khách sạn ở Hà Giang có mức giá tương đối từ 170.000 – 350.000 đồng. Tư vấn riêng của cánh xe ôm và những bạn từng đi bụi đến đây thì khách sạn Hồng Ngọc và Nhà UBND thị trấn cũ giá khá rẻ (từ 50.000 – 100.000 đồng), dịch vụ cũng tạm ổn. 

Đặc sản Hà Giang 

Đặc sản Hà Giang chủ yếu là các món thưởng thức tại chỗ như mèn mén (ngô xay đồ chín), xôi màu, bánh ngô, thịt gà, thịt bò khô, rau cải mèo, măng nứa, cháo Ấu Tẩu (quán nằm đối diện với Điện Lực tỉnh Hà Giang), món Thắng cố (chỉ có vào các phiên chợ ở thị trấn Đồng Văn), thịt hun khói và lạp sườn hun khói (quán Hải Yến ở Yên Minh), lẩu ở bờ sông Miện. Đặc biệt, nếu đi đông người và túi hòm hòm, ở Đồng Văn, bạn có thể đặt chủ quán cơm thẳng đường phố cổ một con heo sữa quay để tối nhấm nháp thịt nướng với rượu ngô sóng sánh vàng. Buổi tối thì có các món như chè nóng, ngô nướng, mía nướng… "măm" rất ngon trong cái lạnh của vùng cao.

Địa điểm tham quan 

Được nhiều người xưng tụng “chưa đi chưa biết Hà Giang, đi rồi mới biết Hà Giang tuyệt vời” nên rất khó để có thể diễn tả hết vẻ đẹp của cao nguyên đá này. Song có thể điểm qua một số địa danh, thắng cảnh để bạn có thể khám phá, chinh phục, từ đó hiểu và yêu Hà Giang hơn. 

Cổng trời Sà Phìn, cách Đồng Văn 15km về phía Yên Minh (đường 4C). Đây là điểm dừng không thể bỏ qua với bất kỳ ai khi đến với cung đường đá Hà Giang. Từ cổng trời, bạn có thể thu vào tầm mắt thung lũng Sà Phìn thơ mộng, di tích lịch sử nhà vua Mèo Vương Chí Sình ẩn hiện. Ngoài ra, đến đây, bạn còn có thể tạt vào làng, khám phá chợ Sà Phìn, tham quan thung lũng và chiêm ngưỡng kiến trúc tuyệt đẹp của nhà vua Mèo họ Vương. 

Từ Sà Phìn, bạn có thể tỏa theo hai hướng để đến hai địa danh nổi tiếng không kém. Địa danh thứ nhất cách Sà Phìn 7km là Phó Bảng, một thị trấn cổ trên cao nguyên đá. Địa danh thứ hai là Cột cờ Lũng Cú, cách 26km. Dưới chân cột cờ là làng văn hóa Lô Lô, nơi bạn có thể tham gia sinh hoạt hay tìm hiểu đời sống của người dân tộc nơi đây. 

Phố cổ Đồng Văn mê hoặc bạn với những ngôi nhà tường trình, mái ngói nung và tường rào bằng đá. Bên cạnh đó, điểm nhấn của Đồng Văn là vào ngày rằm hàng tháng cũng treo đèn lồng như phố cổ Hội An, hay chợ phiên Đồng Văn họp vào sáng thứ 7 hàng tuần, với nhiều mặt hàng, nhiều món ăn của nhiều dân tộc khác nhau. Nếu có nhiều thời gian, bạn có thể leo núi Đồn Cao nằm ngay phía sau khu chợ phiên, trên đó có thể ngắm toàn cảnh thị trấn Đồng Văn. 

Từ thị trấn Đồng Văn đi về phía Mèo Vạc khoảng 15km, bạn có thể khám phá và chinh phục Thiên hạ đệ nhất đèo Mã Pí Lèng, con đèo đẹp và hùng vĩ nhất miền núi phía bắc. Bên dưới thung sâu của con đèo, dòng Nho Quế như một sợi chỉ xanh cắt ngang những dãy núi đá tai mèo nhọn hoắt. Đến Mèo Vạc, bạn còn có dịp tham quan khám phá chợ Mèo Vạc họp vào sáng Chủ nhật hàng tuần. 

Gợi ý lịch trình tham quan cho chuyến đi Hà Giang 3 ngày 4 đêm như sau: 

Tối thứ 5: Bắt xe từ Hà Nội – Hà Giang Sáng thứ 6: Đến Hà Giang, đi xe ôm hay thuê xe máy (gọi đặt trước) đến Đồng Văn. Trên đường đến Đồng Văn thì ghé Quản Bạ chụp hình; ghé Tam Sơn, khám phá núi Đôi; ghé Sà Phìn, tham quan chợ, dinh thự họ Vương, chiêm ngưỡng thung lũng. Còn thời gian thì lên cổng trời Sà Phìn, ngắm mây, chụp hình. Sau đó về Đồng Văn cách đó 2-3km. Lấy phòng, vệ sinh, tắm rửa. Tối khám phá phố cổ Đồng Văn, thưởng thức các món nướng và đặc sản tại đây.

Sáng thứ 7: Tham quan, mua sắm và thưởng thức các món đặc sản ở chợ phiên Đồng Văn. Trưa đi xe lên cực bắc Lũng Cú, chiều về lại Đồng Văn. Tối thưởng thức cháo Ấu Tẩu, ngồi gần bếp lửa thưởng thức các món nướng. Sáng chủ nhật: Trả phòng. Sau khi ăn sáng, bắt đầu hành trình chinh phục đèo Mã Pì Lèng, rồi đến Mèo Vạc, tham gia chợ phiên. Trưa về Yên Minh, khám phá nhiều đoạn đường đèo đẹp. Sau đó đi tiếp đến Hà Giang, ăn tối rồi lên xe về lại Hà Nội.

Mang gì khi du lịch Hà Giang?

Mang theo quần áo ấm, giày dép bệt (giày thể thao càng tốt). Một số thuốc chữa các bệnh thông thường như cảm cúm, nhức đầu, đau bụng. Kem thoa da chống muỗi, thuốc trị côn trùng cắn, kem thoa da trị bỏng hoặc dị ứng... Đồ dùng vệ sinh cá nhân, kim, chỉ, nút áo, kim băng… đề phòng trường hợp bất ngờ. Mang theo tiền mặt vì hầu như không có ATM.

Các cung đường khám phá

  • Sài Gòn/Hà Nội – Tuyên Quang – Hà Giang
  • Hà Nội/Sài Gòn - Hà Giang - Đồng Văn - Hồ Ba Bể - Mã Pì Lèng
  • Sài Gòn/Hà Nội – Hà Giang – Lào Cai – Sa Pa

Lai rai bò nướng đá trong khí hậu Tây Nguyên lành lạnh

Từng lát thịt bò được nướng chín mềm trên những phiến đá nhỏ của núi rừng Tây Nguyên đem đến một món ăn ngon lạ miệng.


Không chỉ hấp dẫn với cơm lam, gà sa lửa, gỏi cà đắng hay gỏi rau rừng... ẩm thực Tây Nguyên còn quyến rũ du khách bằng món bò nướng đá đậm đà thơm ngon khiến ai một lần thưởng thức thì không thể quên được.

Nghe tên có vẻ xa lạ nhưng thực ra nguyên liệu cũng như cách chế biến món ăn này rất đơn giản. Thành phần bao gồm thịt bò phi lê, rau sống các loại, bánh tráng và mắm nêm. Sẽ là nhiếu sót nếu không nhắc đến những phiến đá nhỏ dùng để nướng thịt bò. Việc làm chín bằng hơi đã nóng giúp miếng thịt bò mềm, ngọt và thơm ngon hơn.
Một miếng đá mỏng được nung nóng, thịt bò được nhúng qua dầu và nướng chín trên phiến đá.
Bò được sử dụng là loại bò thịt ở Tây Nguyên, được nuôi ngoài đồng cỏ nên cho thịt săn chắc, mềm, có vị ngọt nhẹ rất ngon. Thịt bò rửa sạch, thái thành từng lát không quá dày (khó thấm gia vị) hay quá mỏng (khi nướng chín bị khô), ướp thịt bò với các gia vị như ngũ vị hương, muối, một ít đường, hành tím, tỏi, sả băm và vừng. Trộn thật đều, tiếp đến cho ít dầu ăn vào đảo đều để thịt bò khi nướng không bị khô.

Quạt lò than thật hồng, lấy một phiến đá nhỏ, sạch đặt lên trên. Khi phiến đá nóng, cho lên bề mặt một ít dầu ăn, ít tỏi băm cho dậy mùi thơm. Sau cùng, bạn lần lượt gắp từng lát thịt dàn đều trên bề mặt phiến đá và nướng chín. Khi nướng nhớ trở đều để lát thịt bò chín vàng hai mặt. Chỉ nên nướng vừa chín tới, không nên nướng quá khô sẽ làm lát thịt bò bị mất nước, không ngon.

Thật là hấp dẫn...
Bò nướng đá có thể làm món lai rai nhâm nhi cùng bạn bè bên ché rượu cần trong cái khí trời lành lạnh Tây Nguyên khi đêm về. Tuy nhiên, ngon nhất là phải cuốn bánh tráng, bún tươi, rau sống các loại và ăn kèm với mắm nêm. Sự hòa quyện giữa hương vị của thịt bò, hương thơm của các loại rau, mắm nêm đậm đà hơi cay làm tăng thêm sự hấp dẫn, ngon miệng cho món ăn mang đặc trưng núi rừng Tây Nguyên này.

Sủng Là, nơi đá nở hoa

Những vệt nắng cuối thu còn sót lại cùng sắc tím của những cánh đồng hoa tam giác mạch như lời mời gọi du khách lên đường, về vùng đất nơi địa đầu tổ quốc.

Vượt qua Yên Minh, Hà Giang, những chiếc xe mới thực sự tiến sâu vào mảnh đất của vùng Cao nguyên đá. Núi tiếp núi, những con đường tưởng chừng dài vô tận, xa tít tắp bất ngờ ngoặt rẽ, Sủng Là hiện ra sau khúc cua tay áo với những thung lũng xanh đẹp tựa tranh.

Từ trên cao, bạn có thể nhìn thấy những hàng sa mộc lực lưỡng, vươn mình lên trời cao. Những mái nhà tường trình nằm im lìm trong nắng, những hàng rào bằng đá thâm thấp, cây hồng trong vườn đã lúc lỉu quả và củi đã chất đầy nơi góc bếp, sẵn sàng cho mùa đông giá lạnh sắp tới.

Trên gác mái, màu của ngô lẫn trong đám màu đỗ tương được phơi khô. Cô gái dân tộc H’Mông ngồi dệt vải bên khung cửi, dù tiếng Kinh không nói được nhiều nhưng vẫn sẵn lòng mời bạn bát nước mát cho đỡ cơn khát ban trưa. Lũ trẻ đứa lớn trông đứa bé, đùa chơi nơi bậc thềm, đôi mắt đen lay láy nhìn theo những người khách lạ.

Chị em người Lô Lô, H’Mông và Dao ở Sủng Là quàng trên mình những tấm khăn sặc sỡ, những chiếc váy đủ màu duyên dáng. Bóng áo xanh áo hồng của họ nổi bật trên những vực đá tai mèo xám. Bước chân thoăn thoắt trên khắp vùng rẻo cao.


Người H’Mông ở Sủng Là trồng tam giác mạch và hoa cải trên đồi đất cao, trồng ngô và lúa ở vùng đất bằng nơi đáy thung lũng. Chen lẫn trong màu xanh non của ngô của lúa là màu tím hoa cà của hoa tam giác mạch, màu vàng của nắng, và màu xanh đậm của hàng sa mộc sừng sững giữa trời. Cuối thu, những cây ngô mọc chen trên đá tai mèo đã được thu hoạch về nhà. Cây ngô là nguồn lương thực chính của những người dân trên mảnh đất này. Ngô dùng để làm rượu, ngô dùng để làm bánh, làm mèn mén (hay còn gọi là bột ngô hấp). Lõi ngô và thân ngô được phơi khô, dùng để đun bếp.

Vùng đất đá tai mèo không trồng được nhiều loại hoa màu. Để trồng được ngô, người H’Mông hàng ngày phải gùi những gùi đất từ rất xa mang về nhét vào từng hốc đá, dùng đá chèn lại để giữ cho nước mưa không trôi mất đất, rồi bỏ hạt ngô giống vào. Những thân cây ngô xanh mọc lên vươn mình trong những lớp đá xám như cuộc sống vẫn trỗi dậy nơi mảnh đất cằn này mỗi ngày.
Tam giác mạch rực rỡ trên những ngả đường.
Ngoài ngô, đá tai mèo cũng được tận dụng trong đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc. Đá tai mèo được dùng làm nền sân, dùng làm hàng rào, dùng làm tường nhà. Những hàng rào bao quanh các ngôi nhà đều không quá đầu người, những hàng rào đá óng ánh dưới ánh nắng mặt trời.

Cuối thu, con đường vào Sủng Là bồng bềnh bởi những thảm hoa tam giác mạch. Những cánh hoa phơn phớt tím hồng làm nao lòng bao lữ khách ghé qua. Tam giác mạch mỏng manh nở rộ sau mỗi mùa lúa tháng chín hàng năm. Trước kia hạt của hoa được dùng để làm bánh, nay phần nhiều dùng làm thức ăn nuôi gia súc.

Lá tam giác mạch non được dùng như một loại rau xanh, khi luộc lên ăn ngọt và mát, chỉ có hoa là không dùng làm gì, nhưng lại làm náo nức bao kẻ qua đường, và trở thành loài hoa của mùa thu trên Cao nguyên đá. Khi những vạt nắng xiên vẫn còn rải mật trên khắp thung lũng và trời đã bắt đầu chuyển lạnh, là lúc bạn nên về với Sủng Là, để ngồi lại bên những hàng rào đá và say mình trong khung cảnh thần tiên.
"Nhà của Pao" ở Sủng Là là điểm đến không thể bỏ qua khi đến với thung lũng này.
Chợ phiên Sủng Là sáng chủ nhật là điểm đón những vị khách từ phương xa dừng chân khám phá. Sau “Chuyện của Pao”, cái tên Sủng Là được nhắc nhiều mỗi khi có người có ý ghé thăm mảnh đất Hà Giang. Ngôi nhà dùng để quay phim đón nhiều vị khách. Ai cũng muốn ghé qua một lần, để được tận mắt ngắm những hàng rào nở hoa và để được nghe đâu đây tiếng đàn môi sau bờ rào đá.

Đà Lạt rực vàng mùa hoa dã quỳ

Bên cạnh những loại hoa kiêu sa, màu vàng rực rỡ có phần hoang dại của dã quỳ đã tạo nên vẻ đẹp rất riêng cho xứ sở hoa Đà Lạt.

Dã quỳ là loài hoa dại, phổ biến ở Tây Nguyên và nhiều tỉnh vùng cao phía Bắc. Tuy nhiên, nói đến mùa dã quỳ người ta thường nhắc đến Đà Lạt, bởi chỉ ở đây mới có thể cảm nhận được một màu vàng trải dài khắp các con đường.


Không chỉ đánh dấu sự kết thúc của mùa mưa, hoa dã quỳ nở còn là thời điểm du khách tìm về thành phố Đà Lạt, để được hòa mình với khung cảnh mộng mơ và hơn cả là để đắm chìm trong màu vàng hoang dại của dã quỳ. Dã quỳ tuy không lớn như hướng dương nhưng do mọc thành bụi nên khi bung nở đã tạo nên một thảm vàng rực rỡ. Sắc vàng ấy như sưởi ấm cao nguyên lạnh giá cùng ánh mặt trời và mê hoặc bất kỳ ai lạc bước ngang qua.

Hoa dã quỳ đẹp nhất vào buổi sáng, khi cái nắng của mùa đông vừa hừng lên, sương vẫn còn đọng trên lá và những cánh hoa. Bạn có thể bắt gặp sắc vàng ươm nắng của dã quỳ ở bất cứ nơi đâu, từ trong lòng thành phố bên những căn biệt thự nhỏ xinh, đến những con đường tỏa đi muôn hướng.

Thường để đắm mình trong màu vàng quyến rũ của dã quỳ, bạn nên chọn xe máy làm bạn đồng hành, để có thể len lỏi khắp các con đường, sườn đồi hay ngõ nhỏ nơi dã quỳ đua sắc khoe hương. Ngoại ô thành phố là nơi hoa dã quỳ mọc nhiều nhất. Tuy không phải là loại hoa trồng được con người chăm sóc nhưng hoa ở đây mọc thành bụi lớn.
Hoa dã quỳ rực rỡ nở trên triền đồi như thảm vàng ngút mắt.
Đoạn từ D’ran lên Đà Lạt là cung đường đẹp bậc nhất cao nguyên Lang Bian, không chỉ bởi rừng thông và đường đèo uốn lượn, mà còn bởi màu hoa dã quỳ đã nhuộm vàng dọc hai bên đường. Nếu đi vào sáng sớm, du khách sẽ có cảm giác như lạc vào cõi tiên với những tầng mây la đà, dưới đất ẩn hiện màu vàng hoang hoải xen lẫn trong làn sương mờ ảo.

Đoạn từ Liên Khương về Đà Lạt cũng là cung đường ngắm dã quỳ thích mắt. So với đường từ D’ran, cung đường này dễ đi vì trải nhựa suốt tuyến và vẻ đẹp lôi cuốn của bạt ngàn dã quỳ. Hoa mọc ven đường trải dài uốn lượn như dải lụa vàng dẫn lối đưa du khách về với thành phố cao nguyên.

Càng đi, hoa càng nhiều thêm, rực rỡ một màu vàng ngút mắt, lấn át dần màu lá xanh, khiến những vòng bánh xe như vội vàng, cuống quít đuổi theo những triền hoa vàng miên man, về tận đến thành phố lúc nào không hay. 
Những con đường hoa dã quỳ đã góp phần làm thêm một Đà Lạt mộng mơ.
Tuy trong trung tâm thành phố không nhiều dã quỳ như ở ngoại ô, nhưng ngay trong Thung lũng tình yêu bạn cũng có thể tìm thấy màu vàng mê dại ấy. Giữa muôn sắc hoa lung linh, sặc sỡ người ta vẫn dễ dàng nhận ra màu vàng không thể trộn lẫn của những cánh dã quỳ. Bên cạnh đó, những vườn hoa dã quỳ vàng rực tại sân ga Đà Lạt cũng khiến không ít du khách ngẩn ngơ. Bởi chẳng thế mà nơi đây trở thành nơi ghi lại những khung hình hạnh phúc của các cặp uyên ương.

Hoa nở khắp nẻo đường, vàng rực trên đồi xa, từng ngõ nhỏ của phố núi, len lỏi qua những con ngõ nhỏ, e ấp bên bờ rào… Dã quỳ vô tình tạo cho cao nguyên Đà Lạt trở nên đẹp rực rỡ hơn bao giờ hết.

Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

Về miền Tây ăn cá lóc chổng ngược

Cá lóc vừa bắt dưới sông lên, rửa sạch, được xuyên bằng một que dài từ miệng đến đuôi, cắm que xuống đất lấy rơm phủ lên và đốt lửa cho đến khi tro tàn.

Cá lóc (miền Bắc gọi là cá quả, cá chuối) nướng trui là một món ăn dân dã đặc trưng cho miền đồng nước miền Tây Nam Bộ Việt Nam, với hương vị độc đáo và cách chế biến rất đơn giản. Món ăn này gắn liền với quá trình khai hóa đất phương Nam của dân tộc Việt.

Đặc điểm của món cá lóc nướng trui dân dã là cá không cần sơ chế, nghĩa là không đánh vảy, không cạo nhớt, không mổ bụng, không tẩm ướp gia vị. Cá lóc vừa bắt dưới sông lên, rửa sạch, được xuyên bằng một que dài từ miệng đến đuôi, sau vùi cá vào đống rơm khô rồi châm lửa đốt hoặc cắm que xuống đất lấy rơm phủ lên và đốt lửa cho đến khi tro tàn. Khi cá chín, cạo bỏ lớp vẩy đã cháy xém để lộ ra thịt cá trắng và thơm.

Cá nướng xong chỉ cần gỡ thịt chấm muối ớt, mà phải là loại muối hột mới cảm nhận được hết mùi vị thơm ngon vùa cay vừa mặn vừa ngọt vừa thơm của món cá lóc nướng đặc sản của dân Nam Bộ. Ở đồng bằng sông Cửu Long, cá lóc nướng trui thường ăn với nước mắm me.

Một số hình ảnh về món ngon độc đáo của sông nước miền Tây


Những con cá lóc tươi ngon vừa bắt dưới sông lên chỉ cần rửa sạch, không cần sơ chế, cắm xuyên que từ đầu đến đuôi để chuẩn bị nướng.
Hình ảnh cá lóc chổng ngược trông rất lạ mắt và thú vị.
Sau đó, cá được phủ rơm lên để chuẩn bị nướng.
Muốn cá ngon thì phải chọn loại rơm thật vàng, thật sạch.
Ngọn lửa rơm cháy đượm sẽ giúp cá chín đều...
Lớp tro nóng làm thịt cá thêm thơm và ngọt.
Những con cá lóc nướng vàng ươm, vây cá bị cháy sạch, tỏa mùi thơm khó cưỡng.
Đĩa cá lóc nướng trui trông thật hấp dẫn và ngon lành.

Những cột cờ độc nhất vô nhị ở Việt Nam

Không chỉ thể hiện chủ quyền lãnh thổ của các vương triều phong kiến, cột cờ còn là điểm nhấn kiến trúc cảnh quan ở các đô thị hiện nay.
Cột cờ Ba Đình - Hà Nội
Tọa lạc trên đường Điện Biên Phủ (quận Ba Đình, Hà Nội), cột cờ Hà Nội là một trong năm di tích còn được bảo tồn nguyên vẹn trong quần thể khu di tích thành cổ và là biểu tượng thiêng liêng của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Cột cờ Hà Nội được xây dựng năm 1812, dưới thời Vua Gia Long triều Nguyễn, trên phần đất phía nam của Hoàng thành Thăng Long; là một công trình bề thế, cao nhất trong thành phố thời bấy giờ; có chức năng là vọng canh. Đứng từ trên đỉnh của cột cờ, có thể quan sát cả một vùng khá rộng trong và ngoài khu thành cổ. Kiến trúc cột cờ bao gồm ba tầng đế và một thân cột, cao hơn 41 m, trông như khối lăng trụ xếp chồng nhau, cao thót dần từ dưới lên trên, nên không hề tạo cảm giác nặng nề, mà rất hài hòa và thanh thoát. Tầng một mỗi chiều 42,5m, cao 3m, có 2 thang gạch dẫn lên. Tầng hai mỗi chiều 27m, cao 3,7m có 4 cửa. Tầng ba mỗi chiều 13m, cao 5m; cũng có 4 cửa theo hướng đông, tây, nam, bắc.

Cửa hướng Đông được đắp hai chữ "Nghênh húc" (đón ánh nắng ban mai), cửa hướng Tây với "Hồi quang" (ánh sáng phản chiếu), cửa Nam với "Hướng minh" (hướng về ánh sáng). Riêng cửa hướng bắc được bố trí hai cầu thang lên sân thượng phía bên phải và trái, mỗi cầu thang gồm 14 bậc, có tay vịn bằng sắt. Sân thượng được bao quanh bằng lan can gỗ cùng với tường hoa trổ những hình lục giác có hình vuông ở giữa, được đan lồng với nhau trông tựa hình mạng nhện.

Từ tầng 1 đến tầng 3 đều có cầu thang xoắn dẫn lên. Trên tầng 3 là thân cột cờ có 8 cạnh thon dần lên phía trên, mỗi cạnh 2,13m với thân cao 18,2m. Trụ hình thang xoáy trôn ốc gồm 54 bậc; được rọi sáng bằng 39 ô cửa sổ hình hoa thị và 6 ô cửa sổ hình dẻ quạt. Trong khi đó, đỉnh cột cờ được cấu tạo thành một cái lầu hình bát giác, cao 3,3 m có 8 cửa sổ tương ứng 8 cạnh. Giữa lầu là một trụ tròn, đường kính 0,4m và cao đến đỉnh lầu, là chỗ để cắm cán cờ, cao 8m.

Hiện nay, dù có nhiều công trình cao lớn hơn hiện diện bên cạnh, công trình cột cờ Hà Nội vẫn rất hoành tráng, sừng sững chiếm một vị trí quan trọng trong lòng Hà Nội.
Kỳ đài Huế.
Kỳ đài Huế là công trình thuộc quần thể kiến trúc cố đô Huế, nằm ở phía trong mặt tiền kinh thành, trước Ngọ Môn, theo hướng Nam, ở khoảng giữa hai cửa Ngăn và cửa Quảng Đức, trên pháo đài Nam Chánh.

Dư địa chí Thừa Thiên Huế ghi, Kỳ đài Huế được chính thức xây dựng vào năm Gia Long thứ 6 (Đinh Mão 1807); lúc đầu còn đơn giản, đến thời vua Minh Mạng thì liên tục được tu sửa vào các năm 1829, 1831 và 1840. Kỳ đài được xây dựng bằng gạch gồm ba tầng, với ba hình khối xếp chồng lên nhau, theo thứ tự từ lớn đến nhỏ dần từ dưới lên trên; được dùng để treo cờ của nước Việt Nam dưới triều Nguyễn (cờ quẻ ly).

Năm 1846, vua Thiệu Trị cho thay cột cờ mới (Tân kiến trụ). Năm 1904, một trận bão lớn xảy ra ở Huế gọi là trận bão năm Thìn (Giáp Thìn), khiến cột cờ lại bị gãy, đến thời vua Thành Thái, cột cờ lại được dựng bằng chất liệu gang. Đầu năm 1947, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp một lần nữa cột cờ Huế bị đổ. Đến năm 1948, Hội đồng chấp chánh lâm thời Trung Kỳ cho xây dựng cột cờ bằng cốt thép cao lớn hơn và chính là công trình hiện nay -cũng đã được Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đã tổ chức trùng tu từ giữa năm 1994 đến năm 1995.

Kiến trúc kỳ đài có ba tầng. Từ mặt đất lên tầng dưới bằng 1 lối đi nhỏ ở phía trái Kỳ Ðài, tầng dưới thông với tầng giữa bằng 1 cửa vòm rộng 4m; tầng giữa thông với tầng trên cùng cũng bằng 1 cửa vòm rộng 2m. Ðỉnh mỗi tầng có xây 1 hệ thống lan can cao 1m, được trang trí bằng gạch hoa đúc rỗng. Nền 3 tầng lát gạch vuông và gạch vồ, có hệ thống thoát nước mưa xuống dưới.

Ấn tượng nhất để ngắm nhìn kỳ đài Huế là đứng trên lan can cao nhất phía đông đàn Nam Giao nhìn xuống thành phố Huế.
Cột cờ Thành Nam.
Nằm trên đường Tô Hiệu (phường Ngô Quyền, TP Nam Định), cột cờ Thành Nam là một công trình kiến trúc cổ, có giá trị lịch sử và văn hóa và còn là biểu tượng khơi dậy lòng yêu quê hương, đất nước, ý thức tự hào, quyết tâm sắt đá bảo vệ chủ quyền, độc lập, tự do của Tổ quốc.

Theo tư liệu lịch sử, cột cờ Thành Nam được xây cùng thời với cột cờ Hà Nội, vào năm Gia Long thứ 11, cao 23,84m. Toàn bộ cột cờ nằm trên hai tầng bệ, cột hình vuông thu dần từ dưới lên. Tầng dưới cùng hình vuông mỗi cạnh dài 16,33m, cao 2,40m. Hai phía Đông và Tây của tầng một có hai cầu thang xây bằng gạch 10 bậc dẫn lên tầng hai, mỗi cạnh dài 11,42m, cao 3,10m. Bốn mặt bệ đều xây lan can, trổ bốn cửa. Trên khuôn cửa Đông có hai chữ Nghênh húc (đón ánh ban mai). Khuôn cửa Nam có hai chữ Hướng quang (hướng theo đức sáng).

Cột cờ Thành Nam gắn liền với nhiều dấu ấn lịch sử quan trọng. Ngày 27/3/1883, tàu chiến của Pháp từ sông Đào bắn phá vào trong Thành. Tại cột cờ, ở độ cao 11m, về phía Nam còn một vết đạn cắm sâu vào 4cm, đường kính 6cm. Thời kỳ hoạt động bí mật, nhiều cán bộ, Đảng viên vẫn lấy Cột cờ làm nơi liên lạc và sinh hoạt để bàn kế chỉ đạo phong trào. Đến ngày 11/6/1972, máy bay Mỹ đã bắn rocket và ném bom khiến công trình cột cờ bị sập hoàn toàn. Tuy nhiên, năm 1997, kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng thành phố Nam Định, cột cờ đã được phục dựng nguyên dạng.
Cột cờ Hiền Lương.
Đây là công trình trọng điểm nằm ở khu vực giao nhau giữa sông Bến Hải và quốc lộ 1A (km 735), trong đó phía Bắc thuộc thôn Hiền Lương, huyện Vĩnh Linh, phía Nam thuộc thôn Xuân Hòa, huyện Gio Linh; được xây dựng vào năm 1963 với chiều cao 38m, trong đó phần đài cao 11,5m.

Theo lịch sử, việc dựng cờ và treo cờ Tổ quốc hàng ngày ở đồn Hiền Lương là một cuộc đấu tranh gay go, một cuộc đọ sức quyết liệt giữa ta và địch. Ban đầu ta làm cột cờ bằng gỗ phi lao cao 12m. Bờ nam địch cắm cờ trên nóc lô cốt cao 15m. Các chiến sĩ của ta lên rừng tìm được cây gỗ 18m đưa về dựng cột cờ. Địch xây cột cờ bằng bê tông cốt thép cao 30m. Ta lại dựng cột cờ bằng thép ống cao 34,5m. Địch tôn cột cờ lên 35m. Ta xây cột cờ cao 38,6m, treo lá cờ 134m2. Lúc đó, nhân dân bờ nam, ở phía trong Dốc Miếu, Cồn Tiên vẫn thấy rõ lá cờ Tổ quốc ở bờ bắc tung bay, vẫy gọi.

Ngày 2/8/1967, địch tập trung nhiều tốp máy bay bắn phá suốt ngày, cột cờ bị gãy. Trong đêm đó, có chiến sĩ đã dũng cảm mang bộc phá sang sông đánh sập cột cờ của địch, chấm dứt vĩnh viễn cờ ba que của ngụy quyền trên bờ nam sông Bến Hải.

Đến ngày 24/4/2005, nhân dịp cả nước kỷ niệm 30 năm ngày thống nhất đất nước, UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức dựng lại cột cờ Hiền Lương nguyên mẫu với lá cờ đỏ sao vàng có diện tích 75 m2 tại thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành (bờ Bắc sông Bến Hải- vĩ tuyến 17).
Cột cờ Lũng Cú
Hiên ngang đứng trên đỉnh Lũng Cú (thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang), nơi điểm cực Bắc của Việt Nam, cột cờ Lũng Cú có độ cao khoảng 1.700m so với mực nước biển.

Cột cờ Lũng Cú có lịch sử rất lâu đời, trải qua nhiều lần phục dựng, tôn tạo và lần khánh thành gần đây nhất vào ngày 25/9/2010. Cột cờ mới có tổng chiều cao 33,15m, trong đó phần thân cột cao 20,25m, phần cán cờ cao 12,9m, đường kính ngoài thân cột là 3,8m, với cầu thang 135 bậc để khách tham quan lên tới cột cờ.

Về kiến trúc, cột cờ được thiết kế theo hình bát giác, chân cột cờ được gắn 8 tấm phù điêu đá xanh minh họa cho các giai đoạn thời kỳ lịch sử của đất nước và các phong tục tập quán của nhân dân tỉnh Hà Giang, phía trên có gắn 8 mặt trống đồng. Lá cờ Tổ quốc có chiều dài 9m, rộng 6m, diện tích 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em cùng chung sống trên đất nước Việt Nam.

Cột cờ Lũng cú đã được cấp bằng xếp hạng di tích lịch sử va danh lam thắng cảnh của đất nước.

Những bí mật thú vị về các thành phố du lịch ở Việt Nam

Bạn sẽ ngạc nhiên khi không thấy một cột đèn giao thông nào ở Đà Lạt, hoặc hạnh phúc tận hưởng cảm giác đêm yên tĩnh khi ngồi bên những ngọn đèn đầu leo lét ở Tuy Hòa.

Sài Gòn: Khách hàng luôn đúng

Sài Gòn không những thu hút du khách với sự nhộn nhịp, sôi động...
Mà còn ở những món ngon của mọi miền đất nước...
Ngoài hàng trăm điểm tham quan, khám phá gắn với những câu chuyện, những bí ẩn khác nhau, hay các công trình kếin trúc kỳ vĩ, vùng đất này còn níu kéo du khách ở thái độ phục vụ khách hàng luôn luôn đúng. Bạn có thể kiểm chứng điều này tại các công ty du lịch, các trung tâm dịch vụ hay các quán nước, quán ăn từ sang trọng đến bình dân vỉa hè.

Điểm nhấn tiếp theo của nơi đây là bạn có thể thưởng thức tất cả các đặc sản, các món ngon của mọi vùng miền hay các quốc gia khác với chất lượng không kém cạnh mà giá lại rẻ hơn rất nhiều.

Hà Nội: Vùng đất của những món ngon

Nét đẹp của Hà Nội khiến nhiều người ao ước đặt chân đến...
Song những món ngon là yếu tố chính níu chân họ ở lại...
Nét cổ kính, hồ Gươm lãng đãng hơi sương, cái chao mình rất khẽ của những chiếc lá, những con phố rêu phong, truyền thuyết cụ rùa Hồ Gươm... là những điểm nhấn rất riêng của cố đô khiến những người con xa quê luôn mong muốn được trở về, được sống trong không gian đó và cũng là nét quyến rũ biết bao người với giấc mơ một lần đặt chân đến. Thế nhưng việc chỉ cần một ngày là đã có thể lùng hết hang cùng ngõ hẻm của Hà Nội khiến nhiều du khách sau khi đến đây rơi vào cảm giác hụt hẫng và thất vọng.

Phương án được chọn lựa nhiều nhất là “di cư” sang địa danh khác như Sapa, Hạ Long... song nếu vội vàng như thế, bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội thưởng thức những món ngon với hương và vị không nơi nào có thể sánh được của vùng đất này. Đó là những món như sữa chua nếp cẩm, bún đậu hủ mắm tôm, bún chả, nem rán, bún cá Đào Duy Từ, bánh cuốn Thanh Trì, cốm…

Đà Lạt – Thành phố không có tín hiệu giao thông

Đà Lạt quyến rũ du khách với vẻ thơ mộng của thành phố trong sương.
Nếu từng đến Đà Lạt thì ngoài vẻ thơ mộng của thành phố hoa, cái se lạnh đủ để choàng thêm tấm áo mỏng, cái chênh vênh của những con dốc nhỏ, của đồi thông mát rượi trong ngày hè, du khách còn cảm thấy lý thú khi phát hiện không có bất kỳ một đèn tín hiệu giao thông nào, thậm chí ở ngay khu vực trung tâm thành phố.

Không có tín hiệu đèn, song nơi đây chưa bao giờ xảy ra tình trạng kẹt đường hay dòng người chen chúc trên phố như các thành phố khác. Điều đó một phần xuất phát từ lối sống thuần nông của đại đa số người dân tại đây. Nguyên nhân khác là hầu hết các con đường đều theo hướng đi vòng chứ không đâm ngang về tắt như tại các thành phố khác.

Tuy Hoà: Thành phố đèn dầu và lò than

Thành phố Tuy Hòa lưu luyến du khách với tháp Nhạn huyền bí, gành Đá Đĩa kì vĩ...

Món sò huyết Ô Loan nổi tiếng, cua Huỳnh Đế ngon ngọt hay đơn giản chỉ là ánh đèn dầu loe loét bên thúng trứng lộn trong đêm.

Nếu lang thang vài đêm ở thành phố này, bạn sẽ dễ dàng nhận ra sự có mặt với mật độ dày của những ngọn đèn dầu nhỏ bên cạnh những mủng trấu ủ trứng vịt lộn, những bếp than cháy đượm, thơm nồng của món bắp nướng có mặt hầu hết trên những con đường hay hẻm của thành phố tạo nên một thành phố Tuy Hoà về đêm yên bình và hiền lành như người dân nơi đây.

Đừng e ngại việc ngồi ăn bên lề đường, bởi bạn sẽ bỏ phí đi cơ hội cảm nhận thành phố này từ những điều đơn giản nhất. Đó là nụ cười rạng rỡ của cụ già khi có người dừng lại, cái thú ngồi bệt trên chiếc đòn nhỏ, xị xụp thưởng thức những quả trứng nóng hổi, cảm nhận đuợc cái thơm đậm, cay nồng của rau răm trong làn gió mặn hơi biển, hay trái bắp nướng mỡ hành được nhấn nhá thêm ít nước mắm ngon lạ lùng.

Đà Nẵng: Tất cả trong một

Đà Nẵng thơ mộng với những bãi biển hoang sơ...
Những cánh đồng cỏ lau đẹp như tranh.
Và những món ăn thơm nồng, cay đượm...
Nếu như Đà Lạt có núi, Nha Trang có biển thì Đà Nẵng vừa thơ mộng với Bà Nà, vừa trong trẻo với những bãi biển xanh biếc, bán đảo Sơn Trà hiền hoà... đến đây, bạn cũng cảm nhận được vẻ thơ mộng của dòng sông chạy giữa thành phố. Việc lang thang trên phố cà đêm hay chầu chực tại bờ sông, trong cái gió lạnh, trong tiếng đập muỗi môm bốp chờ một dấu hiệu chuyển động của cây cầu quay thương hiệu Việt đầu tiên của các kỹ sư Việt.

Ngoài vẻ đẹp của sông, núi, biển, nơi đây còn quyến rũ bạn với sự phát triển của một thành phố đang phát triển cùng hàng loạt món ngon nhắc đến là thèm như mì Quảng, thịt heo hai đầu cuốn bánh tráng, 3 loại chè "độc"...